Thiếu vitamin D gây bệnh gì? Khuyến nghị bổ sung vitamin D chuẩn Chuyên gia
Tham vấn y khoa: BS NGUYỄN THỊ HÒA – Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) – Chức vụ: Phó Viện Trưởng
Vitamin D là một trong những vi chất thiết yếu đối với sức khỏe cơ thể. Vitamin D giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ tăng cường miễn dịch. Song, chế độ ăn uống hàng ngày đôi khi lại không cung cấp đủ vi chất này dẫn đến thiếu hụt ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Vậy nên mỗi người cần chăm sóc sức khoẻ chủ động để tránh tình trạng thiếu hụt vitamin D. Thiếu vitamin D gây bệnh gì? Hãy cùng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây nhé.
Tin liên quan:
- Bí quyết tăng cân với 15+ thực phẩm giàu calo cho người gầy
- Bảng cân nặng chuẩn của mẹ bầu trong từng giai đoạn thai kỳ
- Cách bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh thế nào là đúng và đủ?
- Chế độ ăn thực dưỡng là gì? Tham khảo bí quyết sống khoẻ từ thiên nhiên
- Thực phẩm giàu sắt cho bà bầu nên thêm vào chế độ ăn
Thiếu hụt vitamin D gây hậu quả gì?
Vitamin D là vitamin thiết yếu mà cơ thể cần để phát triển và duy trì độ chắc khỏe cho xương. Hơn nữa, vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thần kinh, hệ cơ xương, hệ miễn dịch và sự khỏe mạnh của cơ thể.
Cơ thể nhận được nguồn vitamin D qua tiếp xúc ánh nắng mặt trời trên da, bổ sung thực phẩm giàu vitamin D trong chế độ ăn uống và các sản phẩm bổ sung. Song, thiếu vitamin D ngày càng phổ biến trên toàn cầu, kể cả trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Một khi thiếu hụt vitamin D gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe cơ thể, xương khớp, miễn dịch như sau:
Thiếu vitamin D gây bệnh gì? Ảnh hưởng sức khỏe xương khớp
Lợi ích của vitamin D đối với xương vô cùng quan trọng. Vitamin D tăng cường hấp thu canxi và giúp duy trì đủ lượng canxi, photpho trong máu cần thiết cho xương, răng chắc khỏe. Nếu như thiếu hụt vitamin D, sự suy giảm hấp thu canxi và photpho ở ruột sẽ dẫn đến hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp). Để cố gắng cân bằng lượng canxi trong máu, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương dẫn đến quá trình khử khoáng xương nhanh gây ra còi xương ở trẻ nhỏ và mềm xương ở người lớn. (1), (2)
- Trẻ em thiếu vitamin D gây ra bệnh còi xương, dẫn đến vòng kiềng, yếu cơ, đau xương, biến dạng ở khớp, răng phát triển không như bình thường, dễ mắc các vấn đề về răng miệng. (1), (2)
- Người lớn thiếu hụt vitamin D dẫn đến nhuyễn xương, mềm xương và thậm chí là loãng xương hoặc mật độ xương thấp tăng nguy cơ gãy xương. (1), (2)
Suy giảm hệ miễn dịch
Việc bổ sung vitamin D đủ có thể tăng cường chức năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh tự miễn và ngược lại. Các nhà nghiên cứu tin rằng có mối liên hệ giữa thiếu vitamin D lâu dài và sự phát triển của các bệnh tự miễn như tiểu đường loại 1 và viêm khớp dạng thấp. Song, để xác thực vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn về mối liên hệ này. (1)
Như vậy, vitamin D là vitamin cần thiết duy trì xương răng chắc khỏe và hệ miễn dịch tốt. Nếu thiếu hụt vitamin D trong thời gian dài, mãn tính sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe xương, răng ở cả trẻ em và người lớn. Trẻ em thiếu vitamin D gây bệnh còi xương, còn người lớn giảm mật độ xương, mềm xương và nhuyễn xương.
Nguyên nhân thiếu hụt vitamin D
Nhìn chung, có 2 nguyên nhân chủ yếu thiếu hụt vitamin D:
- Không bổ sung vitamin D đủ qua chế độ ăn uống hàng ngày hoặc thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đây được xem là nguồn vitamin D tự nhiên. (2)
- Cơ thể không hấp thu hoặc sử dụng vitamin D không đúng cách, có thể do bệnh lý, giảm cân, phẫu thuật hoặc tác dụng của một số loại thuốc.(2)
Ngoài ra, một số yếu tố sinh học và môi trường khác nhau cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D, bao gồm:
- Thiếu/ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Với những người sống ở vùng ít nắng hoặc các khu vực ô nhiễm cao, cơ thể không nhận được nhiều vitamin D như người khác. Hoặc người làm ca đêm, thường xuyên ở trong nhà, môi trường văn phòng máy lạnh cũng có thể bị thiếu hụt vitamin D. (1)
- Màu da: Sắc tố trên da làm giảm khả năng hấp thụ tia cực tím UVB của cơ thể. Những người có tông da màu sẫm ít tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời so với người có làn da sáng hơn. (1), (2)
- Tuổi tác: Khả năng tổng hợp vitamin D của da giảm theo độ tuổi. (1), (2)
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Trẻ sơ sinh không nhận đủ vitamin D từ sữa mẹ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, trẻ sơ sinh bé mẹ hoàn toàn và 1 phần nên được cung cấp thêm 400 IU vitamin D mỗi ngày cho đến khi cai sữa. Sau khi cai sữa, trẻ nên uống ít nhất 1000ml/ ngày sữa công thức hoặc sữa nguyên chất tăng cường vitamin D. Nếu trẻ bú sữa ít hơn mức này, cha mẹ nên bổ sung 400IU vitamin D mỗi ngày cho trẻ. (1)
- Trọng lượng cơ thể: Lượng chất béo trong cơ thể có thể hạn chế khả năng hấp thu vitamin D từ da. (1)
- Phẫu thuật cắt dạ dày: Người trải qua phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày có thể gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D do không hấp thu đủ. (1), (2)
- Một số loại thuốc làm giảm hấp thu vitamin D: thuốc nhuận tràng, thuốc hạ cholesterol, steroid, thuốc chống động kinh, thuốc giảm cân, thuốc điều trị lao… (2)
- Một số bệnh lý gây thiếu hụt vitamin D:
-
- Xơ nang, bệnh Crohn, bệnh celiac: những bệnh này ngăn cản ruột hấp thu vitamin D thông qua các chất bổ sung. (1), (2)
- Béo phì: Chỉ số BMI >30 có liên quan đến mức vitamin D thấp hơn. Người bị béo phì đòi hỏi phải bổ sung vitamin D lớn hơn để duy trì mức bình thường. (1), (2)
- Bệnh thận và bệnh gan: Mắc bệnh này làm giảm enzyme 25–hydroxylase từ gan và 1-alpha-hydroxylase từ thận. Việc thiếu một trong hai enzyme này sẽ dẫn đến lượng vitamin D hoạt động trong cơ thể thiếu hụt. (1), (2)
Tóm lại, nguyên nhân chủ yếu gây thiếu hụt vitamin D là do cơ thể nhận không đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời, chế độ ăn uống và một số yếu tố sinh học, môi trường như màu sắc da, tuổi tác, một số thuốc, bệnh lý,…
Đọc thêm: Thực phẩm không tốt cho xương khớp: Cảnh báo 5+ thực phẩm bạn nên tránh
Làm thế nào để biết mình có thiếu vitamin D hay không?
Các bác sĩ, nhân viên y tế không yêu cầu bạn kiểm tra mức vitamin D trong cơ thể định kỳ nhưng họ sẽ kiểm tra mức độ vitamin D nếu phát hiện bạn mắc một số bệnh lý hoặc có yếu tố nguy cơ gây thiếu hụt vitamin D. Hoặc một số trường hợp biểu hiện triệu chứng vitamin D: mệt mỏi, yếu cơ, đau xương, chuột rút, biến dạng ở khớp, đau cơ, thay đổi tâm trạng,… (2)
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ chỉ định bạn xét nghiệm máu để đo mức vitamin D. Có 2 loại xét nghiệm vitamin D nhưng phổ biến nhất là xét nghiệm 25-hydroxy vitamin D, gọi tắt là 25(OH)D. (2)
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hải – Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng cho biết: “Những triệu chứng thiếu hụt vi chất thường không điển hình, dễ nhầm lẫn với nhau, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Ví dụ trẻ quấy khóc ban đêm có thể do thiếu hụt vitamin D, cũng có thể do thiếu canxi hoặc magie. Do đó không nên tự ý bổ sung khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn vì bổ sung thiếu hay thừa đều gây hại đến sức khỏe người sử dụng.”
Những ai có nguy cơ thiếu vitamin D
Ngoài các tình trạng bệnh lý có thể gây thiếu hụt vitamin D, những người có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao bao gồm:
- Người trên 65 tuổi: Khả năng tạo ra vitamin D của da theo tuổi tác giảm, vì vậy người trên 65 tuổi có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao. (2), (3)
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Trẻ em thiếu vitamin D phổ biến, chủ yếu đến từ chế độ ăn không nhận đủ vitamin D. Và đặc biệt đúng đối với trẻ chỉ bú sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D cho cơ thể. (2), (3)
- Người có màu da sẫm: Da sẫm màu khó tạo ra vitamin D từ ánh sáng mặt trời hơn da dáng màu. Vì vậy, người có làn da sẫm có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn. (2), (3)
- Người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Người thường xuyên ở nhà, hiếm khi ra ngoài hoặc không thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ không nhận đủ lượng vitamin D. Vì vậy, họ có nguy cơ thiếu hụt cao hơn. (2), (3)
- Người bị béo phì, người mắc các bệnh lý gan, thận.
Vậy, những người lớn tuổi, trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, người có màu da sẫm, người ít tiếp xúc ánh nắng có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn bình thường.
Lượng vitamin D cần thiết là bao nhiêu? Khuyến nghị bổ sung vitamin D cho từng nhóm đối tượng
Nguồn vitamin D tự nhiên đến từ 2 nguồn chính là ánh nắng mặt trời và thực phẩm. Tuy nhiên, với những ngày mưa hoặc đến mùa đông, ánh nắng sẽ ít và sẽ không bổ sung đủ cho cơ thể. Lúc này, bạn cần bổ sung qua thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày để đáp ứng nhu cầu vitamin D cho cơ thể. (1)
Một số thực phẩm giàu vitamin D như: các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ,…), lòng đỏ trứng, phô mai, gan bò, các loại nấm, sữa, ngũ cốc và nước trái cây tăng cường,… (1)
Mọi người đều cần bổ sung vitamin D theo khuyến nghị để đáp ứng nhu cầu cơ thể, trong đó trẻ em và phụ nữ mang thai cần đáp ứng đủ và tốt. Phụ nữ mang thai thiếu hụt vitamin D tăng nguy cơ sinh non và tiền sản giật. (1)
Sau đây là lượng khuyến nghị vitamin D hàng ngày như sau: (1)
- Trẻ sơ sinh 0-12 tháng cần bổ sung 400IU tương đương 10mcg vitamin D trong ngày
- Trẻ từ 1-18 tuổi cần bổ sung 600 IU tương đương 15 mcg vitamin D trong ngày
- Người từ 18- 70 tuổi: cần bổ sung 600 IU tương đương 15 mcg vitamin D trong ngày
- Người lớn trên 70 tuổi cần bổ sung 800 IU tương đương 20 mcg vitamin D trong ngày
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần bổ sung 600IU tương đương 15mcg vitamin D trong ngày
Xem thêm: Bổ sung vitamin theo từng giai đoạn mang thai cho mẹ khoẻ – con phát triển toàn diện
Lưu ý: Các đối tượng căn cứ vào độ tuổi mà bổ sung lượng vitamin D đủ theo khuyến nghị, tránh bổ sung dư thừa. Nếu quá nhiều vitamin D có thể dẫn đến tăng canxi máu gây mệt mỏi, suy nhược, đau xương, chán ăn. Triệu chứng nặng hơn có thể gây ra: (1)
- Buồn nôn, nôn mửa
- Mất nước
- Khát
- Đi tiểu nhiều
- Sỏi thận
- Thay đổi tâm trạng: lú lẫn, thờ ơ,…
Như vậy, tùy vào từng đối tượng mà nhu cầu bổ sung vitamin D ở mức khác nhau. Khi bổ sung vitamin D cần tuân thủ khuyến nghị, tránh dư thừa sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe: mệt mỏi, chán ăn, đau xương, buồn nôn,… Nguồn vitamin D tự nhiên đến từ ánh nắng mặt trời và thực phẩm trong chế độ ăn uống.
Trên đây là những thông tin về thiếu vitamin D gây bệnh gì, hy vọng mọi người có thêm kiến thức bổ ích trong chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Việc cải thiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh sẽ giúp tăng cường vitamin D cho cơ thể. Liên hệ với đội ngũ NRECI để được các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn và giải đáp cụ thể.
Xem thêm:
- Nên uống vitamin E vào lúc nào trong ngày?
- Thiếu vitamin B gây bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng thiếu vitamin B
- Dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất cần bổ sung
- Vitamin E có trong thực phẩm nào? TOP thực phẩm giàu vitamin E
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.
VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)
- 105 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM
- Hotline: 0888 844 732
- Fanpage: https://www.facebook.com/nreci.org
- Website: https://nreci.org
Tham vấn y khoa
Tôi là Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, hiện đang là Trưởng khoa Dinh dưỡng Nhi tại Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI). Tôi có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng, giúp các bệnh nhân vượt qua tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì. Ngoài ra, tôi còn khắc phục các vấn đề về bệnh lý như suy thận, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… Sứ mệnh của tôi là mang kiến thức dinh dưỡng chuẩn khoa học tới với cộng đồng, để từ đó góp phần nâng cao tầm vóc và sức khỏe của người Việt Nam. Hy vọng rằng những chia sẻ của tôi sẽ giúp ích phần nào cho công cuộc nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Quy trình kiểm duyệt nội dung tại Viện Nghiện cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI)