Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn cần lưu ý
Tham vấn y khoa: BS VI THỊ TƯƠI – Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) – Chức vụ: Phó Viện Trưởng
Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn thế nào để đảm bảo duy trì sức khỏe, đủ sức chiến đấu với bệnh tật? Suy thận mạn là bệnh đe dọa sức khỏe của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, khá nhiều người còn mơ hồ với tình trạng này. Trong bài viết hôm nay, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số thông tin cơ bản về bệnh thận mạn và chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn hợp lý để bảo vệ sức khỏe, tạo điều kiện tốt nhất để chiến đấu với bệnh tật.
Tin liên quan:
Thế nào bệnh thận mạn?
Định nghĩa bệnh thận mạn
Bệnh thận mạn (chronic kidney disease) là những bất thường về mặt cấu trúc hoặc chức năng của thận, kéo dài trong thời gian trên 3 tháng và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh thận mạn (BTM) theo KDIGO 2012: Dựa vào 1 trong 2 tiêu chuẩn như sau:
- Triệu chứng tổn thương thận (có một hoặc nhiều biểu hiện):
- Có albumin nước tiểu (tỷ lệ albumin creatinin nước tiểu ở mức trên 30mg/g hoặc albumin nước tiểu 24 giờ là trên 30mg/24 giờ);
- Hiện tượng bất thường nước tiểu;
- Bất thường điện giải hoặc các loại bất thường khác do rối loạn chức năng ống thận;
- Mô bệnh học thận có sự bất thường;
- Xét nghiệm hình ảnh học phát hiện ra thận – tiết niệu có dấu hiệu bất thường;
- Ghép thận;
- Giảm mức lọc cầu thận: (glomerular filtration rate: GFR) dưới 60ml/phút/1,73m2 (xếp loại G3a-G5): Với mức lọc cầu thận được đánh giá dựa vào độ thanh lọc creatinin ước tính theo công thức Cockcroft Gault hoặc dựa vào độ lọc cầu thận ước tính (estimated GFR, eGFR) theo công thức MDRD.
Phân loại các giai đoạn thận mạn
Bệnh thận mạnh gồm có các giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn thứ nhất: Tổn thương thận với MLCT bình thường hoặc tăng (có mức lọc cầu thận từ 90 ml/ph/1,73m2 da);
- Giai đoạn thứ hai: Tổn thương thận với MLCT giảm nhẹ (có mức lọc cầu thận từ 60 đến 89 ml/ph/1,73m2 da);
- Giai đoạn thứ ba: Giảm MLCT trung bình (có mức lọc cầu thận từ 30 đến 59 ml/ph/1,73m2 da);
- Giai đoạn thứ tư: Giảm MLCT nặng (có mức lọc cầu thận từ 15 đến 29 ml/ph/1,73m2 da);
- Giai đoạn thứ năm: Bệnh thận mạn giai đoạn cuối (có mức lọc cầu thận dưới 15 ml/ph/1,73m2 da hoặc phải điều trị thận nhân tạo).
Nguyên nhân của bệnh thận mạn
Trước khi tìm hiểu về chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn, cần xác định được nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính. Dựa vào lâm sàng, gia đình, tiền sử cá nhân, thuốc sử dụng, yếu tố môi trường, khám lâm sàng, hình ảnh học, xét nghiệm sinh hóa và thậm chí cả là sinh thiết thận để chẩn đoán nguyên nhân bệnh thận mạn.
Theo như Hội Thận học Quốc tế KDI năm 2012, nguyên nhân gây bệnh thận mạn được phân loại bằng cách dựa vào vị trí tổn thương giải phẫu học và căn bệnh nguyên chủ yếu tại thận hoặc thứ phát sau các bệnh lý toàn thân. Cụ thể theo bảng như sau:
Nguyên nhân | Bệnh thận nguyên phát | Bệnh thận thứ phát sau bệnh trên toàn thân |
Bệnh cầu thận | Bệnh cầu thận màng, bệnh cầu thận tổn thương tối thiểu,… | Thuốc, bệnh tự miễn, bệnh ác tính, đái tháo đường |
Bệnh ống thận mô kẽ | Bệnh thận tắc nghẽn, nhiễm trùng tiểu, sỏi niệu | Bệnh thận do thuốc, bệnh tự miễn, đa u tủy |
Bệnh mạch máu thận | Loạn dưỡng xơ cơ, viêm mạch máu do ANCA | Tăng huyết áp, thuyên tắc do cholesterol, xơ vữa động mạch |
Bệnh thận bẩm sinh và bệnh nang thận | Nang tủy thận, thiểu sản thận | Hội chứng Alport và bệnh thận đa nang |
Biến chứng của bệnh thận mạn
Bệnh thận mạn có thể tác động đến hầu hết các bộ phận của cơ thể bệnh nhân, một số biến chứng nghiêm trọng như:
- Tăng huyết áp: làm tăng nguy cơ tim mạch
- Thiếu máu mạn: chức năng tạo máu giảm ở bệnh nhân suy thận
- Suy dinh dưỡng: chế độ ăn kiêng khem, đồng thời hội chứng tăng ure huyết làm bệnh nhân chán ăn, giảm ăn.
- Hội chứng tăng ure huyết xuất hiện hàng loạt các triệu chứng: chán ăn, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê não
- Rối loạn chuyển hóa, hấp thu calci, phốt pho: các vấn đề về xương khớp dẫn đến nhuyễn xương dễ gãy xương, loãng xương;
- Biến chứng về hệ thần kinh trung ương, ngoại biên, thực vật..
- Biến chứng về tim mạch
Kế hoạch chăm sóc, chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn
Lưu ý thiết kế chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn
Dinh dưỡng cho người suy thận mạn cần được đặc biệt chú ý, cụ thể như sau:
- Ăn đầy đủ và cân đối năng lượng các nhóm chất dinh dưỡng;
- Sử dụng hạn chế chất đạm giảm gánh nặng cho bệnh thận. Nên dùng các loại thực phẩm giàu chất đạm sinh học cao;
- Tình trạng suy thận mạn thường hay kèm theo bệnh đái tháo đường nên những người mắc bệnh này nên chọn dùng các thực phẩm có mức độ đường từ thấp đến trung bình;
- Đảm bảo lượng chất béo trong khẩu phần ăn, đặc biệt là chất béo từ thực vật (dầu nành. dầu mè, hạt cải…), dầu cá
- Có thể ăn đa dạng các loại hoa quả và rau. Người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số kali thấp và cách chế biến làm giảm kali trong rau quả.
Những thực phẩm bệnh nhân thận nên ăn
Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn rất quan trọng, một số loại thực phẩm nên ăn như:
- Tinh bột có chứa ít đạm như miến dong, khoai lang, khoai sọ;
- Chất đường có trong hoa quả ngọt, đường, mía, mật ong (chú ý sử dụng phù hợp vừa đủ với từng đối tượng);
- Chất béo (có thể ăn ở mức khoảng 30 – 40g/ngày và ưu tiên chất béo thực vật) và chất béo từ cá;
- Các loại đạm có giá trị sinh học cao, đặc biệt đạm từ cá giàu chất béo tốt, nên sử dụng ít nhất 3 lần/ tuần;
- Các loại rau như: bầu, bí, mướp, bắp cải, dưa leo … có hàm lượng kali không cao phù hợp cho người bệnh thận;
- Bổ sung canxi có trong sữa.
Những sai lầm trong chế độ ăn bệnh nhân suy thận mạn
Nhiều người còn mắc phải những sai lầm trong việc thiết kế chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn như:
- Sử dụng lượng muối quá nhiều, không ăn nhạt khi phù;
- Không ăn đạm: đây là một quan điểm sai lầm khi nghĩ bệnh thận sẽ không ăn các loại thịt cá. Sở dĩ, khi bệnh thận, bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng cao, đặc biệt quá trình suy mòn cơ. Lượng đạm cung cấp các bữa ăn phù hợp góp phần cải thiện dinh dưỡng và thể trạng bệnh nhân, đồng thời giảm được các nguy cơ tiến triển của bệnh thận mạn.
- Ăn nhiều đạm thực vật như lạc, đỗ, vừng. Nhiều bệnh nhân lựa chọn ăn chay sau khi được chẩn đoán suy thận mạn. Tuy nhiên, đạm thực vật có giá trị sinh học thấp hơn và tăng gánh tải thận niệu. Đồng thời, hàm lượng sắt trong đạm thực vật cũng khó hấp thu hơn đạm động vật – khiến người bệnh thiếu máu hơn. Do đó cần cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật trong chế độ ăn ở bệnh nhân thận.
- Sử dụng các loại nội tạng động vật, đồ nướng, chiên, rán, thực phẩm chứa nhiều kali (chuối, nho, cam, đào, chanh, bưởi, lạc, dẻ, hạt điều, socola);
- Bệnh nhân kiêng các loại rau củ khiến chế độ ăn nghèo nàn thiếu vitamin khoáng chất.
- Dùng quá nhiều thực phẩm có chứa photpho như pho-mát, lòng đỏ trứng, cua, thịt thú rừng, đậu đỗ,…
Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn đòi hỏi phải cân đối và đủ các chất để giảm biến chứng và tiến triển nặng của suy thận mạn. Một chế độ dinh dưỡng cho người suy thận mạn hợp lý góp phần nâng cao chất lượng của sống của người bệnh.
Xem thêm:
- Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh bố mẹ cần nhận biết sớm
- Rối loạn nhịp tim có chữa được không?
Nguồn tham khảo:
- KDOQI guideline- Chronic Kidney Disease, 2002. National Kidney Foudation, American Journal of Kidney Disease, 39 (2), Supp 1, p 1-242.
- KDIGO guidelines 2012. The clinical practice guidelines for evaluation and management of Chronic kidney disease. Kidney International (2012), 3, 1-150
- Địa chỉ: 407/14 Đường Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh
- Hotline: 0888 334 478
- Fanpage: Viện Nghiên Cứu & Tư Vấn Dinh Dưỡng
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.
VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)
- 105 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM
- Hotline: 0888 844 732
- Fanpage: https://www.facebook.com/nreci.org
- Website: https://nreci.org
Tham vấn y khoa
Tôi là Bs. Vi Thị Tươi – Phó Viện Trưởng, trưởng Phòng Đào tạo – Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI). Với sứ mệnh mang dinh dưỡng khoa học đến với cộng đồng, chúng tôi đã tạo ra hơn 150 khóa học, từ đó giúp hơn 14.000 người nâng cao kiến thức dinh dưỡng. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng, hi vọng những chia sẻ của tôi sẽ góp phần vào một Việt Nam khỏe mạnh hơn!
Quy trình kiểm duyệt nội dung tại Viện Nghiện cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI)