.
.
.
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy bố mẹ cần nhận biết sớm

0

Tiêu chảy là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ khi hệ tiêu hóa còn non nớt khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Tình trạng này nếu không được xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng của trẻ. Vì vậy, thật cần thiết để cha mẹ nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy. Cha mẹ hãy cùng tìm hiểu vấn đề này cùng Chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng thông qua bài viết dưới đây nhé!

Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng đi tiêu phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ. Tiêu chảy có thể chia làm 3 thể: tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài và hội chứng lỵ. Nội dung bài viết dưới đây chủ yếu nói về tiêu chảy cấp.

Hàng năm, có khoảng từ 1,5 – 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới tử vong do tiêu chảy. Do đó, không nên coi thường việc chăm sóc và phòng ngừa cho trẻ bị tiêu chảy tại nhà.

Nhận biết dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

Bình thường khi trẻ đi tiêu: khối lượng, tần suất và độ đặc của phân thay đổi tùy theo độ tuổi, cân nặng và chế độ ăn của trẻ.

Về tần suất, trẻ sơ sinh đi tiêu thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn của trẻ, trẻ đi tiêu từ 3 đến 10 lần/ ngày là bình thường (trẻ bú mẹ thường đi phân nhiều lần hơn so với trẻ bú sữa công thức). Ở trẻ nhũ nhi, trẻ mới biết đi và trẻ em thường đi tiêu 1-2 lần mỗi ngày.

Về độ đặc và màu sắc, trẻ sơ sinh đặc biệt là những trẻ đang bú mẹ thường đi tiêu phân mềm, màu vàng, xanh lá hoặc nâu, chứa hạt hoặc những cục sữa đông nhỏ.

Do đó, trẻ sơ sinh đang bú mẹ việc đi tiêu phân lợn cợn nhiều lần trong ngày vẫn được xem là bình thường, nhưng nếu phân đột nhiên lỏng hơn hoặc nhiều nước hơn, xảy ra thường xuyên hơn và với số lượng lớn, thì có thể trẻ sơ sinh đang bị tiêu chảy.

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi tiêu phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ. Nôn thường xuất hiện đầu tiên trong bệnh cảnh tiêu chảy do virus Rota hoặc do tụ cầu. Biếng ăn có thể xuất hiện sớm hoặc xuất hiện sau khi trẻ tiêu chảy nhiều ngày trước đó. Trẻ thường chán ăn và chỉ thích uống nước.

Mất nước do tiêu chảy là nguyên có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy cha mẹ cần lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu mất nước ở trẻ bị tiêu chảy và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời. Các dấu hiệu sớm cảnh báo trẻ sơ sinh đang bị mất nước bao gồm: thóp trước của trẻ trũng, lượng nước tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu vàng sậm, không có hoặc ít nước mắt khi khóc, miệng, môi và mắt của trẻ khô… Đối với trẻ lớn hơn, khi có dấu hiệu mất nước trẻ thường khát đòi uống nước, môi khô, mắt trũng, trẻ kích thích quấy khóc, nặng hơn trẻ có thể mệt li bì hoặc khó đánh thức…

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy
Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

Đâu là những nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ

Bệnh tiêu chảy cấp tính thường có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do thực phẩm nhiễm khuẩn.

Thức ăn không phù hợp với độ tuổi của trẻ có thể do mẹ thiếu sữa hoặc trẻ phải cai sữa sớm nên phải ăn những thức ăn không phù hợp như ăn bột sớm, ăn cháo sớm… hoặc có thể do đường ruột trẻ kém hấp thu một số chất trong sữa mẹ như bất dung nạp lactose hoặc khi trẻ bị dị ứng đạm có trong sữa bò cũng có thể bị tiêu chảy. Sử dụng kháng sinh kéo dài cũng là một yếu tố khiến đường ruột của trẻ dễ xuất hiện tiêu chảy hơn.

Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là do nhiễm virus. Tiêu chảy do virus Rota là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Rotavirus lây lan qua đường tiêu hoá và có khả năng lây nhiễm rất cao. Khi virus được thải ra ngoài môi trường nó tồn tại rất lâu, ở bàn tay, trên sàn nhà, bề mặt các đồ vật … vì thế trẻ dễ dàng bị nhiễm bệnh do ăn uống phải thức ăn bị nhiễm virus rota hay do ngậm mút tay, đồ chơi bị nhiễm bẩn…

Trẻ có thể bị tiêu chảy do tác nhân vi khuẩn như: vi khuẩn ở đường ruột gây bệnh thường gặp là trực khuẩn E.coli đường ruột, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn….hoặc do nhiễm khuẩn ngoài đường ruột như sau khi viêm mũi, họng, viêm tai giữa, viêm phổi…

Ngoài ra, các ký sinh trùng như Entamoeba histolytica (Amíp), Giardia lamblia, Cryptosporidium khi xâm nhập vào đường ruột cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng, ẩm cũng tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Cần lưu ý: trẻ bị suy dinh dưỡng có khả năng mắc tiêu chảy cao hơn cũng như tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong cao.

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy 

Hậu quả của tiêu chảy ở trẻ

Tiêu chảy ở trẻ nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Mất nước: do đi tiêu nhiều lần phân lỏng trong ngày làm mất đi một lượng nước lớn của cơ thể trẻ. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây mất nước trầm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
  • Rối loạn điện giải: Tiêu chảy dẫn đến rối loạn điện giải trong cơ thể do mất điện giải đi qua phân hoặc dịch nôn mửa bao gồm natri, kali, canxi, magie, cloride, phosphate và bicacbonat. Nếu mất lượng lớn các chất này có thể dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng như hạ natri máu có thể gây lú lẫn, buồn ngủ, yếu cơ, co giật, hạ kali máu gây chuột rút, ảnh hưởng tới hoạt động của tim mạch, thần kinh.
  • Suy dinh dưỡng: nếu tình trạng tiêu chảy không được xử trí kịp thời có thể gây cản trở hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ khiến trẻ chậm lên cân, ốm yếu, dễ có nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tiêu chảy

Đối với tiêu chảy cấp xử trí cần thiết nhất là bù nước, bù điện giải và chế độ ăn của trẻ.

Bù hoàn nước và điện giải

Tùy theo mức độ mất nước mà điều trị tại nhà hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Nếu trẻ không có dấu hiệu mất nước điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường bằng dung dịch ORS hoặc một số dung dịch tự pha thay thế tương đương tại nhà như: nước mặn ngọt, nước cháo muối, nước dừa muối…

ORS (Oresol) là dung dịch tốt nhất để hồi phục nước và điện giải (1 gói gói 27.9g có chứa: 20g Glucose, 3,5g natri clorid, 1,5g kali clorid, 2,5g natri bicarbonat).

Cách pha dung dịch ORS: hòa tan 1 gói ORS với 1 lít nước đã đun sôi để nguội vào một bình kín có nắp đậy và cho trẻ uống trong vòng 24 giờ. Hoặc có thể dùng loại gói nhỏ( 4,1g hoặc 5,6g) mỗi gói pha với 200ml cho trẻ uống dần.

Lượng ORS cho trẻ uống tại nhà:

  • Trẻ < 2 tuổi: 50-100ml sau mỗi lần tiêu lỏng hoặc nôn ói
  • Trẻ từ 2 tuổi trở lên: 100- 200ml sau mỗi lần tiêu lỏng hoặc nôn ói
  • Nếu trẻ nôn sau uống thì nghỉ 10 phút sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn. Uống cho tới khi trẻ ngừng tiêu chảy.

Nếu không có sẵn ORS bà mẹ có thể pha một số dung dịch thay thế tương đương tại nhà như:

  • Nước mặn ngọt: 3g muối + 18g đường + 1 lít nước sạch hòa tan cho trẻ uống dần trong ngày.
  • Nước cháo muối: 3g muối + 80g bột hoặc gạo + 1,2 lít nước sạch đun nhừ và lọc qua rây cho trẻ uống dần trong ngày.
  • Nước dừa muối: 1 lít nước dừa + 3g muối hòa tan cho trẻ uống dần.\
Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy
Khi nhận biết các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước 

Chế độ ăn khi trẻ bị tiêu chảy

Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy cấp, do đường ruột bị tổn thương dẫn đến quá trình hấp thu dinh dưỡng giảm hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu vẫn được khoảng 60%,vị thế trong suốt quá trình tiêu chảy vẫn cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không bắt trẻ nhịn vì có thể khiến bé bị sụt cân dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng.

  • Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ: Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số cử bú. Nếu trẻ bú sữa công thức thì vẫn cho trẻ bú bình thường nhưng phải pha loãng ra một nửa trong vòng 2 ngày.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: Ngoài sữa mẹ và sữa công thức như trên cần cho trẻ ăn thêm nhiều cử và từng ít một các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa… và cho thêm một ít dầu để tăng đậm độ năng lượng của khẩu phần ăn. Lưu ý, thức ăn cần nấu kỹ, mềm, loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi còn ấm để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm.
  • Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm… để tăng thêm lượng kali, betacaroten, vitamin C… Cho trẻ uống thêm sữa đậu tương (đậu nành), sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose cũng hỗ trợ cải thiện tình trạng tiêu chảy ở trẻ em.
  • Khi đã xử trí ổn tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm 1 cử mỗi ngày trong 2 tuần liền.
Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy
Bố mẹ cần có chế độ ăn hợp lý khi gặp các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy 

Các thực phẩm không nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy như: nước ngọt, các loại thức ăn có chứa nhiều đường… vì những thức ăn này có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy. Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ, ít chất dinh dưỡng gây khó tiêu hóa như măng, rau cần, ngô, đỗ…

Cho trẻ uống bổ sung kẽm (10mg; 20mg) hàng ngày trong 10 – 14 ngày. Cho trẻ uống càng sớm càng tốt ngay khi tiêu chảy bắt đầu.

Kẽm sẽ làm rút ngắn thời gian và mức độ trầm trọng của tiêu chảy và rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch của trẻ và giúp ngăn chặn những đợt tiêu chảy mới trong vòng 2 – 3 tháng sau điều trị. Kẽm giúp cải thiện sự ngon miệng và tăng trưởng.

  • Trẻ < 6 tháng tuổi: 10mg/ngày, trong vòng 10 – 14 ngày.
  • Trẻ ≥ 6 tháng tuổi: 20mg/ngày, trong vòng 10 – 14 ngày. Nên cho trẻ uống kẽm lúc đói.

Hướng dẫn các bà mẹ theo dõi trẻ tại nhà

Trong 2 ngày nếu trẻ có một trong những biểu hiện sau đây thì cha mẹ cần phải mang trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

  • Trẻ bị sốt cao.
  • Trẻ khát nước nhiều.
  • Trẻ ăn, bú kém.
  • Trong phân của trẻ có máu.
  • Trẻ ói nhiều lần.
  • Phân của trẻ có nhiều nước và đi tiêu nhiều lần.

Hy vọng với những thông tin của bài viết trên đây có thể giúp ba mẹ nhận biết được sớm các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cũng như biết cách xử trí tiêu chảy cho con mình tại nhà một cách hiệu quả và an toàn. Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) được biết đến là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực Nghiên cứu, tư vấn và dịch vụ liên quan đến lĩnh vực Dinh dưỡng. Nếu còn bất kỳ những thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Xem thêm: 

Ths.Bs Đặng Ngọc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Tư vấn Dinh dưỡng
Ths.Bs Đặng Ngọc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Tư vấn Dinh dưỡng
Rate this post
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Form test

Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)

Bài Liên Quan
Dấu hiệu thiếu canxi ở mẹ bầu
Dấu hiệu thiếu Canxi ở mẹ bầu và cách bổ sung hiệu quả
Mang thai là hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy thử thách đối với người phụ nữ. Khi cơ thể...
Các loại rau củ cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi
Bổ sung các loại rau củ cho bé ăn dặm là thật sự cần thiết, bởi rau củ chứa nhiều...
Bé mấy tháng ăn dặm là tốt nhất?
Bé mấy tháng ăn dặm là tốt nhất?
Ăn dặm là quá trình các bé đang bú sữa mẹ được làm quen với các loại thức ăn thô....
Ăn dặm truyền thống là gì?
 Ăn dặm truyền thống là gì? Phương pháp ăn dặm truyền thống kết hợp BLW
Khi bé được khoảng 5-6 tháng tuổi, nhiều cha mẹ bắt đầu cho con ăn dặm. Lúc này có nhiều...
Thiết Kế Web Ô tô Bởi Vĩnh XD