Bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng mà các xung điện điều phối nhịp tim hoạt động bất thường, có khi chậm, khi nhanh hay lúc nhanh lúc chậm,… Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân. Nếu như không có biện pháp và can thiệp điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến những biến chứng nặng. Trong bài viết này, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng chia sẻ với bạn một số thông tin về bệnh cũng như giải đáp bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không, đừng bỏ qua nhé!
Rối loạn nhịp tim nguyên nhân do đâu?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tần số tim đập quá nhanh, quá chậm hay có ổ phát nhịp khác ngoài nút xoang khiến cho nhịp tim không còn đều nữa. Một dạng rối loạn nhịp tim khác do hệ thống dẫn truyền nhịp trong tim bị tổn thương. Điều này khiến tim co bóp không đồng bộ, dẫn đến suy giảm chức năng tim và giảm khả năng hoạt động của bệnh nhân.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn nhịp tim:
- Bất thường hệ thống phát nhịp và dẫn truyền nhịp tim như: suy nút xoang, rối loạn hệ thống dẫn truyền như bị tắc nghẽn nút nhĩ thất, bó His, mạng Purkinje, …
- Tiền sử phẫu thuật tim
- Mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành, …
- Tăng huyết áp
- Các bệnh lý về tuyến giáp: cường giáp, suy giáp
- Tiểu đường, rối loạn mỡ máu.
- Bệnh phổi mãn tính, bệnh viêm phổi, phế quản cấp.
- Yếu tố di truyền
- Thiếu máu
- Rối loạn điện giải
- Tác dụng phụ của thuốc
- Tâm lý rối loạn, thường xuyên căng thẳng, lao động gắng sức
- Sử dụng quá nhiều và dùng thường xuyên bia rượu, thuốc lá, chất kích thích.
Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim thường gặp
Trước khi giải đáp, bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không, mọi người nên nhận biết dấu hiệu, triệu chứng của bệnh. Điều này giúp phát hiện bệnh sớm, giảm nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim rất đa dạng, biểu hiện với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Bởi một số bệnh nhân dù bị bệnh nhưng biểu hiện triệu chứng hay triệu chứng khá mờ nhạt như thấy người thường không khỏe, cảm giác khó chịu ở ngực.
Dưới đây là những triệu chứng thường gặp trong bệnh rối loạn nhịp tim:
- Xuất hiện các cơn khó thở, khó thở khi gắng sức, khi vận động, khi nằm, …
- Chóng mặt, choáng váng, xây xẩm mặt mày, dễ mất đi cảm giác thăng bằng
- Hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực, tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực kèm theo hụt hơi.
- Xuất hiện cảm giác tim ngừng đập một vài giây rồi đập mạnh trở lại
- Đau tức ngực, có cảm giác như ngực bị đè nén, xé ngực
- Người thường mệt mỏi, yếu sức do hoạt động bơm máu của tim kém hiệu quả.
- Ngất xỉu
- Vã mồ hôi
Bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Bệnh rối loạn nhịp tim có thể nhẹ, trung bình có thể theo dõi, tái khám nhưng đa phần nó là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được chữa trị và can thiệp sớm. Thế nên, khi cơ thể xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên, cần đến gặp bác sĩ sớm nhất để được thăm khám. Từ đó, phòng tránh những biến chứng trầm trọng, nguy hiểm như:
- Ngưng tim – Đột tử: Một số tình trạng rối loạn nhịp tim có thể gây ngưng tim, ngưng thở, nếu không được xử lí cấp cứu kịp thở, người bệnh có thể tử vong. Thường gặp tình trạng rung thất, hội chứng Brugada có tiền căn gia đình đột tử trẻ do hoạt động điện của tim trở nên hỗn loạn, tim không co bóp tống máu, máu không được cung cấp đến các cơ quan.
- Bệnh lý mạch máu não – Đột quỵ: Khi mà nhịp tim đập bất thường sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong mạch máu. Các cục máu đông này di chuyển theo dòng máu đi khắp các nơi trong cơ thể. Và điều này hết sức nguy hiểm khi cục máu đông đi theo dòng máu lên não, đi vào các mạch máu nhỏ gây hẹp, tắc nghẽn lưu thông máu.
- Lúc này, hậu quả khiến máu không được cấp đủ lên não, dẫn đến tình trạng thiếu máu não, hoặc tắc nghẽn mạch máu gây ra tổn thương tế bào não trong nhồi máu não. Nếu không điều trị can thiệp sớm để tình trạng kéo dài, thì lượng tế bào não tổn thương nhiều và không thể hồi phục dẫn đến yếu, liệt nửa người, tứ chi, hoặc bất hoạt vùng hoạt động của não gây ra nhìn mờ, giảm thính lực, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động hoặc thậm chí là tử vong.
- Suy tim: Khi nhịp tim bất thường, loạn nhịp làm ảnh hưởng đến hiệu quả bơm máu. Lúc này, hiệu quả bơm máu sẽ bị giảm sút, khiến cơ tim phải làm việc nhiều hơn để máu được cung cấp đủ đi nuôi cơ thể. Tim càng gắng sức lâu ngày khiến cơ tim không còn đủ sức, suy yếu và dẫn đến tình trạng suy tim.
- Biến chứng khác do tắc mạch: Ngoài đột quỵ, suy tim thì rối loạn nhịp tim do việc hình thành cục máu đông làm tăng nguy cơ gây biến chứng tắc mạch. Từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: nhồi máu lách, nhồi máu thận, tắc mạch gây hoại tử chi, nhồi máu mạc treo,…
Làm thế nào để chữa rối loạn nhịp tim?
Không phải tất cả trường hợp rối loạn nhịp tim đều điều trị, can thiệp mà bác sĩ sẽ thăm khám, tùy vào từng trường hợp mà đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu như những bệnh nhân với bệnh lý mới phát, mức độ nhẹ thì được tư vấn chăm sóc sức khỏe, theo dõi và thăm khám định kỳ.
Ngoài ra, các phương pháp thường được sử dụng trong điều trị rối loạn nhịp tim bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp: Bác sĩ chỉ định thuốc điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân. Thuốc điều trị có tác dụng ngăn ngừa, giảm tình trạng nhịp tim bất thường. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc chủ yếu hiệu quả và chỉ định cho bệnh nhân có nhịp tim nhanh để làm chậm nhịp tim lại.
- Thủ thuật cắt đốt qua catheter: Cắt đốt điện sinh lý bằng catheter là phương pháp điều trị nhằm mục đích điều chỉnh một số loại nhịp tim bất thường bằng cách triệt phá các đường dẫn điện bất thường trong tim.
- Sốc điện: Phương pháp sốc điện chuyển nhịp là phương pháp điển hình với việc sử dụng dòng điện để điều trị chứng rối loạn nhịp tim gây đe doạ tính mạng, cần cấp cứu. Phương pháp này giúp đưa nhịp tim trở về mức bình thường. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này phải có sự chỉ định rõ ràng bởi bác sĩ. Và thường được sử dụng bởi các bác sĩ hồi sức cấp cứu đã được đào tạo bài bản, có chuyên môn.
- Đặt máy tạo nhịp tim: Sử dụng thiết bị chạy bằng pin tạo tín hiệu điện đều đặn được chỉ định cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim. Phương pháp này giúp tim được co bóp theo nhịp được điều khiển bởi xung điện do máy. Từ đó, tạo nên một trái tim khỏe mạnh với nhịp đập được duy trì ở tốc độ bình thường.
- Cấy máy chuyển nhịp – khử rung tự động: Máy này có chức năng sốc điện chuyển nhịp hoặc sốc điện phá rung trong trường hợp nhịp nhanh thất hoặc rung thất, điều trị các tình trạng nhịp nhanh, nhịp chậm và lưu trữ điện đồ trong buồng tim.
Ngoài các biện pháp y khoa, để sức khỏe nhanh chóng cải thiện, giảm mệt mỏi và điều trị được hiệu quả, người bệnh cũng nên thay đổi lối sống, sinh hoạt:
- Thường xuyên bổ sung các thực phẩm tốt cho tim: Thực phẩm giàu omega-3, trái cây, rau và ngũ cốc, thực phẩm giàu Ca, K, hạn chế muối (Na).
- Luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên, cường độ và bài tập nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Nên kiêng uống rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích
- Duy trì, kiểm soát cân nặng ở mức ổn định
- Theo dõi và kiểm soát chỉ số huyết áp, cholesterol ở mức ổn định
- Tái khám và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kỳ
Chưa hết, việc bổ sung thực phẩm chức năng cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim cũng vô cùng cần thiết. Không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn duy trì tình trạng ở mức ổn định.
Phía trên là những chia sẻ về rối loạn nhịp tim cũng như trả lời câu hỏi cho bạn đọc bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không, hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi NRECI cũng như cập nhật thêm nhiều bài viết mới nhất bạn nhé!
Ths.Bs Đặng Ngọc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Tư vấn Dinh dưỡng
- Địa chỉ: 407/14 Đường Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh
- Hotline: 0888 334 478
- Fanpage: Viện Nghiên Cứu & Tư Vấn Dinh Dưỡng
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.
VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)
- 105 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM
- Hotline: 0888 844 732
- Fanpage: https://www.facebook.com/nreci.org
- Website: https://nreci.org