Cường giáp ăn gì và kiêng ăn gì? Chế độ ăn cho người cường giáp
Tham vấn y khoa: BS NGUYỄN THỊ HÒA – Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) – Chức vụ: Phó Viện Trưởng
Trên thực tế, Chế độ ăn uống có khả năng cải thiện hoặc làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh cường giáp. Vậy chế độ ăn cho người cường giáp như thế nào là tốt nhất? Người bệnh cường giáp nên kiêng ăn gì? Những loại thực phẩm nào tốt cho người bệnh cường giáp? Các chuyên gia dinh dưỡng từ Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng sẽ hướng dẫn cho bạn đọc về chế độ ăn chuẩn theo các bằng chứng từ nghiên cứu khoa học.
Cường giáp là bệnh gì?
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình con bướm nằm ở trước cổ, đây là nơi tạo ra và lưu trữ các hormone tuyến giáp. Các hormone này có tác dụng điều khiển mọi hoạt động trao đổi chất của cơ thể, như ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, cân nặng, tiêu hóa và tâm trạng.
Cường giáp (hyperthyroidism) hay cường chức năng tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn nhu cầu của cơ thể cần. Nếu để tình trạng sản xuất hormone tuyến giáp quá mức trong một thời gian dài có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bệnh cường giáp cần được phát hiện và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây bệnh cường giáp
Cường giáp có thể xảy ra do các nguyên nhân sau [1]:
- Bệnh Basedow (Graves): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh cường giáp. Theo ước tính có khoảng 80-90% người bệnh cường giáp do mắc bệnh basedow. Basedow là tình trạng rối loạn tự miễn mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến giáp, khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Bệnh thường xảy ra ở nữ (cao gấp 3 lần nam giới), phổ biến nhất là ở độ tuổi từ 20-50 (chiếm 80%).
- Các bệnh lý ung thư: ung thư tuyến giáp, chửa trứng (choriocarcinoma – carcinoma đệm nuôi), U quái giáp buồng trứng (struma ovarii), ung thư tuyến yên tiết quá nhiều TSH.
- Cường giáp do mô tuyến giáp tăng sinh và trở nên cường chức năng, thường gặp trong: bệnh bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, dư thừa i-ốt do chế độ ăn hàng ngày, do dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp.
Các triệu chứng cường giáp thường gặp
Chẩn đoán cường giáp dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng:
Triệu chứng lâm sàng
- Rối loạn chuyển hóa và điều hòa thân nhiệt: Người bệnh thường có biểu hiện dễ khát, uống nhiều nước, ăn nhiều, mau đói, gầy sút cân. Cùng với đó, người bệnh luôn có cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, có thể sốt nhẹ 37 – 38 độ C. Lòng bàn tay ấm, ẩm ướt, mọng nước – bàn tay Basedow.
- Biểu hiện tim mạch: các biểu hiện như hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh thường xuyên gặp ở các người bệnh có bệnh lý cường giáp.
- Biểu hiện thần kinh – tinh thần: Thường biểu hiện bằng tình trạng bồn chồn, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, xúc động, giận dữ.
- Bướu tuyến giáp: Tuyến giáp to ở các mức độ khác nhau, có đặc điểm bướu lan tỏa (đôi khi hỗn hợp), mật độ mềm.
- Bệnh mắt do Basedow: Khoảng 50% người bệnh Basedow có biểu hiện bệnh mắt , mắt có thể to ra vì mi trên nâng lên, một hoặc cả hai mắt bị lồi ra, cảm giác chói mắt, cộm hoặc đau nhức hốc mắt, phù nề, sung huyết, nhìn đôi,…
Xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là một loại xét nghiệm máu được sử dụng để đo mức độ hoạt động của tuyến giáp.
Trong đó, các xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất xét nghiệm để xác định nồng độ hormone tuyến giáp và tuyến yên bao gồm: TSH, FT4, FT3. Trong cường giáp thường có tình trạng tăng nồng độ hormone FT3.
Một số xét nghiệm chức năng tuyến giáp khác là: Định lượng T3 toàn phần, T4 toàn phần, TBG, các tự kháng thể, thyroglobulin (Tg), siêu âm tuyến giáp…
Điều trị cường giáp như thế nào? [2]
Mục tiêu đầu tiên khi điều trị cường giáp là đưa người bệnh về tình trạng bình giáp (cân bằng hormone tuyến giáp). Việc điều trị sẽ ngăn ngừa và điều trị các biến chứng sức khỏe lâu dài, đồng thời làm giảm các triệu chứng khó chịu.
Tùy vào nguyên nhân gây ra cường giáp, mức độ cường giáp và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị cường giáp bao gồm điều trị nội khoa, điều trị bằng iod phóng xạ và phẫu thuật tuyến giáp.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa sử dụng thuốc để điều trị như: thuốc chống lại tổng hợp hormone tuyến giáp (thuốc kháng giáp, iod và các chế phẩm chứa iod). Thuốc kháng giáp khiến tuyến giáp tạo ra ít hormone tuyến giáp hơn. Điều trị bằng thuốc kháng giáp có thể kéo dài 1 đến vài năm.
Điều trị bằng iod phóng xạ
Đây là một phương pháp thường được sử dụng trong điều trị bệnh cường giáp khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc tái phát sau phẫu thuật
Phẫu thuật
Thông thường, phẫu thuật tuyến giáp sẽ cắt một phần tuyến giáp, thường dùng phương pháp này khi bướu quá to hoặc điều trị nội khoa không hiệu quả. Trong một số trường hợp sẽ cần cắt gần như toàn bộ tuyến giáp. Nếu cắt toàn bộ tuyến giáp thì người bệnh sẽ phải dùng thuốc điều trị tuyến giáp trong suốt cuộc đời.
Khá nhiều trường hợp sau khi điều trị cường giáp bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp đều bị suy giáp sau đó. Tuy nhiên, thực tế thì suy giáp dễ điều trị hơn bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp mỗi ngày và cũng ít gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài hơn so với cường giáp.
Chế độ ăn cho người cường giáp
Nguyên tắc dinh dưỡng chung cho bệnh nhân cường giáp
- Chìa khóa của một chế độ ăn tốt nhất cho cường giáp chính là một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đa dạng thực phẩm.
- Tránh các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng, gây viêm. Các thực phẩm có khả năng tăng cường hoạt động của hormone tuyến giáp như thực phẩm giàu iot.
- Chế độ ăn cho người cường giáp nên tăng cường các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Vậy bệnh cường giáp nên kiêng gì và nên ăn gì?
Bệnh cường giáp nên ăn gì? [3]
- Thực phẩm tự nhiên, bổ dưỡng: Một chế độ ăn cân bằng, đa dạng thực phẩm là điều quan trọng nhất mà người bệnh cường giáp nên áp dụng.Chế độ ăn bao gồm các thực phẩm tự nhiên, toàn phần như: ngũ cốc nguyên cám, rau tươi, trái cây và protein nạc, các loại chất béo tốt (từ các loại hạt và các loại dầu ép lạnh như: dầu oliu, dầu quả bơ) thay vì các loại thực phẩm chế biến sẵn.
- Rau củ và trái cây nhiều màu sắc: Chất chống oxy hóa có trong các loại thực phẩm như rau củ, trái cây nhiều màu có lợi cho những người bị cường giáp vì chúng củng cố hệ thống miễn dịch và chống lại tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Cách tốt nhất để bổ sung chất chống oxy hóa vào chế độ ăn uống của bạn là ăn nhiều trái cây và rau quả nhiều màu sắc (dâu tây, việt quất, rau màu xanh đậm, kiwi, ớt chuông…)
- Tăng cường các loại rau họ cải: Chế độ ăn cho người cường giáp cần tăng cường các loại rau họ cải có khả năng giảm sự hấp thu iot, từ đó giảm tạo hormone tuyến giáp. Do đó, người bệnh cường giáp nên tăng cường bổ sung các loại rau họ cải vào chế độ ăn hằng ngày như: Cải thìa, súp lơ xanh, cải bắp, súp lơ trắng, cải xanh, su hào, rau chân vịt, củ cải… Nên ăn các loại rau ở dạng sống để nhận đầy đủ tác dụng của hoạt chất goitrogens có sẵn trong các loại rau này, ví dụ như dùng các loại cải xoăn, cải bó xôi làm các dạng nước ép, sinh tố xanh. [4]
- Các loại thực phẩm giàu selen: Bên cạnh thực phẩm giàu selen thì việc bổ sung selen nên được cân nhắc ở các bệnh nhân mắc bệnh mắt Graves (bệnh Basedow), việc bổ sung selen có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và diễn biến của bệnh về mắt. Việc bổ sung ở những bệnh nhân này được Hiệp hội Tuyến giáp Châu Âu/Nhóm Châu Âu về Bệnh lý Graves khuyến nghị như một liệu trình kéo dài 6 tháng [5]
- Vitamin D: Vitamin D có tác dụng trong việc tăng cường hấp thu canxi ở ruột, và vitamin D cũng được chứng minh là có tác dụng điều hòa miễn dịch. Các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng thiếu vitamin D và các bệnh tự miễn dịch khác nhau, trong đó các bệnh nhân mắc Basedow có tỷ lệ thiếu vitamin D rất cao. Việc bổ sung vitamin D cho nhóm đối tượng này cho thấy giảm kích thước tuyến giáp và giảm mức độ lồi mắt. Vì vậy, những bệnh lý tuyến giáp liên quan tới tự miễn như Basedow cần được xem xét bổ sung vitamin D dựa trên mức độ thiếu hụt trên xét nghiệm [6]
Cường giáp kiêng ăn gì? [3]
- Thực phẩm giàu iốt: Một chế độ ăn ít iot (dưới 50mcg iot) sẽ được áp dụng bắt đầu từ 1 đến 2 tuần trước khi dùng iốt phóng xạ và dừng lại sau khi kết thúc liệu pháp iốt phóng xạ. Bởi vì chế độ ăn ít iốt không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày nên bạn sẽ chỉ nên thực hiện trong một thời gian ngắn và với sự hướng dẫn của các bác sĩ nội tiết, sau đợt điều trị bằng iot phóng xạ thì bạn có thể tiếp tục ăn một chế độ ăn với lượng iot bình thường (khoảng 150mcg iot). Trong giai đoạn được bác sĩ chỉ định cần áp dụng chế độ ăn ít iot thì người bệnh tuyến giáp nên tránh các thực phẩm giàu iốt như muối iốt, các loại hải sản, tảo xoắn và các loại rong biển khác, lòng đỏ trứng gà, vitamin tổng hợp có chứa iốt, các loại thực phẩm đóng gói có bổ sung iot (nên đọc kỹ bao bì sản phẩm trước khi sử dụng để tránh sử dụng quá nhiều iot trong chế độ ăn).
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Những người có vấn đề về tuyến giáp có thể được hưởng lợi từ chế độ ăn không có casein A1, vì loại protein này có trong sữa có liên quan đến tình trạng viêm gia tăng ở tuyến giáp và đường tiêu hóa. Tuy nhiên cần xác định cơ thể có thực sự dị ứng với các chế phẩm từ sữa hay không trước khi quyết định loại bỏ ra khỏi chế độ ăn.
- Gluten: Chế độ ăn không chứa gluten có thể có lợi cho những người có vấn đề về tuyến giáp. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn không chứa gluten có thể giúp điều trị bệnh tuyến giáp tự miễn (Bệnh Basedow hoặc viêm tuyến giáp Hashimoto )
- Đường: Mặc dù thỉnh thoảng ăn đồ ngọt dường như không có hại nhưng tốt nhất bạn nên tránh những thực phẩm và đồ uống có chứa thêm đường. Các thực phẩm chứa nhiều đường bao gồm kẹo, mật đường, bánh ngọt, xi-rô, nước ngọt, nước ép và các đồ uống có đường khác. Vì các nghiên cứu cho thấy cường giáp làm tăng nguy cơ bị mắc đái tháo đường trong tương lai.
- Thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn: Những sản phẩm chế biến sẵn có liên quan đến việc tăng tính thấm của ruột (rò rỉ ruột) và xuất hiện các rối loạn tự miễn dịch (bệnh Graves là một rối loạn tự miễn dịch). Bên cạnh đó những loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo xấu, đường và các phụ gia thực phẩm không có lợi cho sức khỏe tổng thể.
- Các loại thực phẩm chứa caffeine: Các loại thực phẩm chứa caffeine như trà, cà phê, sô cô la…. Có thể gây tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm từ đó làm nặng hơn các triệu chứng của cường giáp như: hồi hộp, đánh trống ngực, lo lắng,…
Nhìn chung, nguyên nhân gây nên cường giáp chủ yếu là do bệnh lý Basedow (chiếm 80-90%). Đây là một trong các nhóm bệnh lý tự miễn, do đó nên loại bỏ mọi chất có nguy cơ gây dị ứng trong chế độ ăn hằng ngày, chẳng hạn như sữa, các sản phẩm chứa gluten, đậu nành, chất bảo quản và phụ gia thực phẩm (vì dị ứng thực phẩm có thể góp phần gây ra vấn về tăng tính thấm của ruột). Vì vậy, người bệnh có thể cân nhắc việc xét nghiệm dị ứng thực phẩm để kiểm tra chính xác các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cho chính cơ thể thay vì loại bỏ tất cả các loại thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn cho người cường giáp.
7 Thực đơn cho người cường giáp
Chế độ ăn cho người cường giáp với mức năng lượng 1600kcal (G:P:L = 58%:19%:23%), hạn chế các thực phẩm chứa iod, lưu ý đổi sang sử dụng muối kiêng iod:
Thực đơn | Bữa sáng | Bữa trưa | Bữa tối |
---|---|---|---|
Thực đơn 1 | Bánh đa cua
Phụ:
|
Cơm gạo, mực hấp hành, mướp xào giá
Xế:
|
Cơm, Cá mè kho nén và nghệ, rau dền luộc
Phụ:
|
Thực đơn 2 | Bánh mì ốp la
Phụ:
|
Cơm, canh hẹ đậu phụ, cá bạc má kho tiêu, rau khoai luộc
Xế:
|
Cơm, thịt bò thăn áp chảo, măng tây xào tỏi, canh bắp cải
Phụ:
|
Thực đơn 3 | Bún bò
Phụ:
|
Cơm, Cá bạc má nấu ngót, khổ qua xào tỏi, cà rốt luộc
Xế:
|
Cơm, thịt gà luộc, cải ngòng xào tỏi
Phụ:
|
Thực đơn 4 | Sandwich ngũ cốc, ½ quả táo
Phụ:
|
Cơm gạo lứt, canh mồng tơi, tôm xào rau củ
Xế:
|
Hủ tiếu thịt
|
Thực đơn 5 | Xôi mặn
Phụ:
|
Cơm, chả cá chiên, rau muống luộc
Xế:
|
Cháo yến mạch nấu tôm, cải thìa luộc
Phụ:
|
Thực đơn 6 | Bánh mì đen, trứng ốp la, salad cải kale trộn trái cây
|
Bún trộn chay
Xế:
|
Cơm, sườn ram chua ngọt, đậu cô ve luộc
|
Thực đơn 7 | Yến mạch ngâm qua đêm
Phụ:
|
Cơm, cá lóc kho, đậu bắp luộc, canh bầu
|
Cơm, thịt nạc luộc, su su xào cà rốt
Phụ:
|
Trên đây là những chia sẻ của Chuyên gia dinh dưỡng NRECI về bệnh lý cường giáp từ những nguyên nhân, triệu chứng thường gặp đến chế độ ăn cho người cường giáp khoa học.
Đọc thêm: Suy giáp ăn gì? Chế độ dinh dưỡng cho người suy giáp từ Chuyên gia
Tài liệu tham khảo:
- [1] Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh (2023). Bệnh cường giáp là gì? https://www.umcclinic.com.vn/benh-cuong-giap-la-gi
- [2] Bộ Y Tế (2019). Cường giáp: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa. Sức khỏe và đời sống. https://suckhoedoisong.vn/cuong-giap-nguyen-nhan-phuong-phap-dieu-tri-va-cach-phong-ngua-169230114163143601.htm
- [3] Dr.Axe (2022). Hyperthyroidism Symptoms + Best Diet to Help Address. https://draxe.com/health/hyperthyroidism-symptoms-diet/
- [4] Noreen Iftikhar, MD(2021). Hyperthyroidism Diet. Healthline. https://www.healthline.com/health/hyperthyroidism-diet#foods-to-eat
- [5] Babiker A, Alawi A, Al Atawi M, Al Alwan I. The role of micronutrients in thyroid dysfunction. Sudan J Paediatr. 2020;20(1):13-19. doi: 10.24911/SJP.106-1587138942. PMID: 32528196; PMCID: PMC7282437. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7282437/
- [6] Sheriba, NA, Elewa, AAA, Mahdy, MM và cộng sự. Tác dụng của vitamin D 3 trong điều trị cường giáp ở bệnh nhân mắc bệnh Grave. Ai Cập J Intern Med 29 , 64–70 (2017). https://doi.org/10.4103/ejim.ejim_10_17
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.
VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)
- 105 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM
- Hotline: 0888 844 732
- Fanpage: https://www.facebook.com/nreci.org
- Website: https://nreci.org
Tham vấn y khoa
Tôi là Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, hiện đang là Trưởng khoa Dinh dưỡng Nhi tại Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI). Tôi có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng, giúp các bệnh nhân vượt qua tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì. Ngoài ra, tôi còn khắc phục các vấn đề về bệnh lý như suy thận, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… Sứ mệnh của tôi là mang kiến thức dinh dưỡng chuẩn khoa học tới với cộng đồng, để từ đó góp phần nâng cao tầm vóc và sức khỏe của người Việt Nam. Hy vọng rằng những chia sẻ của tôi sẽ giúp ích phần nào cho công cuộc nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Quy trình kiểm duyệt nội dung tại Viện Nghiện cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI)Thời gian học:22/10/2024
Số buổi học:12
Hình thức học:Online qua Zoom
Giảng viên:BS.CKI. Đinh Trần Ngọc Mai, ThS.BS Lê Thị Thu Huyền,…
Học phí:6.000.000 VNĐ
Thời gian học:29/07/2024
Số buổi học:13
Hình thức học:Online qua Zoom
Giảng viên:ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, BS. Vi Thị Tươi, BS. Nguyễn Thị Hoà
Học phí:6.500.000 VNĐ