.
.
.
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Suy giáp ăn gì? Chế độ dinh dưỡng cho người suy giáp

Suy giáp ăn gì? Chế độ dinh dưỡng cho người suy giáp từ Chuyên gia

0

Tham vấn y khoa: BS NGUYỄN THỊ HÒA – Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) – Chức vụ: Phó Viện Trưởng

Hormon tuyến giáp giúp cân bằng một số chức năng của cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất, tăng trưởng, sửa chữa tế bào. Do đó, những người có tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp có thể gặp các dấu hiệu suy giáp như: Mệt mỏi, chán nản, cảm giác thiếu năng lượng, tăng cân, sợ lạnh, táo bón… Bên cạnh đó, bệnh lý suy giáp còn gây tăng tình trạng viêm, từ đó làm nguy cơ mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp…

Thuốc là phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh suy giáp, nhưng tuân theo chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh cũng có thể giúp cải thiện chức năng và các triệu chứng của tuyến giáp. Vậy suy giáp ăn gì? Chế độ dinh dưỡng cho người suy giáp như thế nào là phù hợp? Đâu là những loại thực phẩm người bệnh suy giáp nên kiêng và nên ăn? Các chuyên gia dinh dưỡng từ Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng sẽ hướng dẫn cho bạn đọc về chế độ ăn chuẩn theo các nghiên cứu khoa học.

Bệnh suy giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình con bướm nằm ở trước cổ, đây là nơi tạo ra và lưu trữ các hormone tuyến giáp có ảnh hưởng đến hệ thống các cơ quan trong cơ thể. Khi tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH) sẽ giúp tuyến giáp giải phóng hormone tuyến giáp vào máu. Bệnh lý suy giáp xảy ra là khi tuyến giáp không tiết ra đủ hormone tuyến giáp, ngay cả khi có nhiều TSH.

Bệnh suy giáp là gì?

Nguyên nhân gây ra bệnh lý suy giáp là gì?

Nhóm suy giáp nguyên phát (chiếm 90-95% các trường hợp) [2]

Nhóm suy giáp nguyên phát chiếm 90-95% các trường hợp:

  • Bệnh tự miễn: Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh suy giáp là viêm tuyến giáp Hashimoto. Đây là một dạng rối loạn tự miễn xảy ra khi cơ thể tạo ra kháng thể tấn công và tiêu diệt nhầm tuyến giáp.
  • Xạ trị: Xạ trị để điều trị một số bệnh ung thư ở vùng đầu và vùng cổ như ung thư hạch có thể khiến các bức xạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào tuyến giáp. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tuyến giáp.
  • Điều trị cường giáp bằng iốt phóng xạ: Những người bị cường giáp (tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone) thường được điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc chống tuyến giáp nhằm điều chỉnh tuyến giáp hoạt động bình thường trở lại. Một số trường hợp, phương pháp điều trị cường giáp này có thể khiến các tế bào tuyến giáp bị bức xạ phá hủy, dẫn đến suy giáp vĩnh viễn.
  • Phẫu thuật tuyến giáp: Phẫu thuật tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây suy tuyến giáp. Loại bỏ tất cả hoặc một phần tuyến giáp có thể gây suy giáp vì lượng hormone tuyến giáp sẽ bị giảm hoặc thiếu hụt nghiêm trọng.
  • Tác dụng không mong muốn khi sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề sức khỏe tim mạch, các bệnh tâm thần và ung thư có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến bệnh suy giáp.
  • Chế độ ăn uống thiếu hụt iốt nghiêm trọng: Để sản xuất được hormone thyroxine và triiodothyronine, tuyến giáp cần có iốt. Cơ thể không tạo ra được loại khoáng chất này nên cần bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Các thực phẩm giàu iốt bao gồm: động vật thân mềm có vỏ (trai, sò, ốc…), cá biển, rong biển, trứng, sản phẩm từ sữa. Tình trạng này còn được biết tới vói tên gọi: bệnh bướu cô do thiếu Iôt, Việt Nam nằm trong số 19 nước người dân thiếu iốt nhất thế giới, sau 13 năm thoát khỏi tình trạng này (số liệu được Viện Dinh Dưỡng báo cáo vào năm 2018) [10]
  • Suy giáp bẩm sinh: Một số trẻ được sinh ra không có tuyến giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém. Đây là loại suy tuyến giáp bẩm sinh.
Nguyên nhân suy giáp có thể là do chế độ ăn thiết iot

Nhóm suy giáp thứ phát (chiếm 5-10% các trường hợp) [2]

Nhóm suy giáp thứ phát chiếm 5-10% các trường hợp:

  • Rối loạn tuyến yên: Một nguyên nhân tương đối hiếm gặp dẫn đến suy giáp là do tuyến yên không thể sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Hormone này cho tuyến giáp biết cần phải sản xuất và giải phóng bao nhiêu hormone thyroxine và triiodothyronine mà cơ thể cần.
  • Rối loạn vùng dưới đồi: Suy tuyến giáp do rối loạn vùng dưới đồi là một dạng suy giáp hiếm gặp. Điều này có thể xảy ra nếu vùng dưới đồi trong não không tạo ra đủ hormone thyrotropin-releasing (TRH). Hormone này ảnh hưởng đến quá trình giải phóng TSH của tuyến yên.

Điều trị suy giáp như thế nào?

Bác sĩ nội tiết sẽ chọn kế hoạch điều trị thích hợp dựa trên chức năng tuyến giáp, các triệu chứng và các vấn đề sức khỏe khác của người bệnh. Suy giáp thường được điều trị bằng thuốc thay thế hormone tuyến giáp, chẳng hạn như levothyroxine (Synthroid) hoặc thuốc hormone tuyến giáp tự nhiên như Armor Thyroid.

Tuy nhiên, các triệu chứng của người bệnh có thể tồn tại ngay cả khi họ đang được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp. Nghiên cứu cho thấy, ngoài việc dùng thuốc, việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống thường có thể giúp giảm một số triệu chứng nhất định và cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể ở những người bị suy giáp.

Chế độ dinh dưỡng cho người suy giáp như thế nào?

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh suy giáp

Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng giúp người bị suy giáp cải thiện chức năng tuyến giáp, ngăn ngừa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng và cải thiện các triệu chứng. Đồng thời, còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan trong tương lai như: đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp,… Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy giáp như rụng tóc, mệt mỏi, lo lắng và tâm trạng chán nản.

Vậy nên, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống đa đạng, cung cấp đầy đủ cả chất dinh dưỡng đa lượng và vi chất dinh dưỡng. Chế độ ăn không chứa gluten và chống viêm là một trong những chế độ ăn kiêng được chứng minh là hữu ích cho những người bị viêm tuyến giáp Hashimoto. Bên cạnh đó, chế độ ăn kiểm soát lượng calo còn giúp thúc đẩy quá trình giảm cân ở người bệnh suy giáp.

Nhìn chung, một chế độ ăn giàu thực phẩm tự nhiên, bổ dưỡng và ít thực phẩm gây viêm (thực phẩm có thêm đường hoặc thực phẩm chế biến sẵn giàu chất béo xấu) là chế độ ăn tốt nhất cho nhiều người bị suy giáp.

Người suy giáp nên lựa chọn nguồn thực phẩm đa dạng

Những chất dinh dưỡng nào quan trọng đối với người bị suy giáp?

Những người bị suy giáp có nhiều khả năng bị thiếu hụt một số chất dinh dưỡng nhất định so với dân số nói chung. Có một số vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp như: iot, selen, sắt, kẽm, vitamin D, vitamin B12…

Iốt

Iốt là một khoáng chất thiết yếu cần thiết để tạo ra hormone tuyến giáp, vì thế thiếu iốt có thể dẫn đến suy giáp. Trên thực tế, lượng iốt không đủ là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh suy giáp trên toàn thế giới. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam, đối với người trưởng thành nên cung cấp 150 µg/ngày, phụ nữ mang thai và cho con bú nên cung cấp 200 µg/ngày.

Hiện nay bổ sung iot từ muối ăn vẫn đang là biện pháp phổ biến nhất, tuy nhiên cần chú trọng sử dụng muối có bổ sung iot trong bữa ăn hàng ngày. Muối i-ốt cần bảo quản kín, trong lọ có nắp đậy, ở nơi khô ráo bởi i-ốt là chất dễ bay hơi. Bên cạnh đó, không nên rang muối i-ốt hay để gần bếp lửa nóng, nơi có ánh nắng chiếu vào.

Một số trường hợp không sử dụng muối iốt, phụ nữ mang thai và cho con bú, người theo chế độ ăn chay, thuần chay có nguy cơ thiếu hụt iot. Vì thế, nên hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung thêm iot vào khẩu phần ăn. Bên cạnh muối iot, các loại thực phẩm giàu iot mà bệnh nhân suy giáp nên bổ sung vào chế độ ăn gồm: hải sản (cá biển và các loại động vật có vỏ như ốc, tôm,…), rong biển, trứng và sữa…

Mặt khác, chế độ ăn chứa nhiều iốt cũng có thể gây suy giáp hoặc cường giáp, do đó không nên tự ý dùng các loại thực phẩm bổ sung. Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ khuyến cáo nên tránh các chất bổ sung có chứa iốt >500 µg/ngày và nên đọc kỹ thành phần có trong các loại thực phẩm như tảo xoắn,… [6]

Selen

Selenium là một khoáng chất khác cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, giúp bảo vệ tuyến giáp khỏi bị hư hại do stress oxy hóa. Selen đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hormone tuyến giáp từ dạng T4 sang T3 ở dạng hoạt động. Một số thực phẩm giàu selen có thể thêm vào chế độ ăn bao gồm quả hạch brazil, cá ngừ, trứng, gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch,… [3]

Ngoài ra, bổ sung selen từ thực phẩm chức năng có thể hữu ích cho một số người bị suy giáp. Nghiên cứu năm 2023 đã chứng minh việc bổ sung 200 microgam (mcg) selen mỗi ngày giúp làm giảm kháng thể tuyến giáp và cải thiện một số triệu chứng nhất định như tâm trạng chán nản ở những người bị viêm tuyến giáp Hashimoto [1]

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, hàm lượng selen tối đa cho người lớn mỗi ngày là 400 mcg selen. Việc hấp thụ nhiều selen thường xuyên có thể gây ra các triệu chứng như rụng tóc, gãy móng tay, tiêu chảy, buồn nôn và phát ban trên da. Do đó, nên bổ sung selen dựa vào mức độ thiếu hụt trên kết quả xét nghiệm.

Selen có nhiều trong các loại thực phẩm như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch,…

Kẽm

Tương tự như selen, kẽm cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp và chức năng tuyến giáp. Cơ thể không đáp ứng đủ lượng kẽm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tuyến giáp và nhiều khía cạnh khác của sức khỏe. Do đó, người bệnh nên bổ sung đủ lượng kẽm trong chế độ ăn thường ngày.

Khi sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các chất dinh dưỡng khác như selen và vitamin A, chất kẽm giúp cải thiện chức năng tuyến giáp ở người bị suy giáp.

Các chất dinh dưỡng quan trọng khác

Ngoài các chất dinh dưỡng kể trên, người bị suy giáp nên bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất khác:

Vitamin D: Người suy giáp có nhiều khả năng bị thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D có liên quan đến bệnh Hashimoto và một nghiên cứu cho thấy có hơn 90% bệnh nhân được nghiên cứu bị thiếu hụt. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu mức vitamin D thấp là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh Hashimoto hay là kết quả của chính quá trình bệnh [9]. Mức vitamin D thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tuyến giáp và làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy giáp, bởi vitamin D chỉ được cung cấp khoảng 20% từ chế độ ăn. Do đó việc bổ sung vitamin D là cần thiết và lượng phù hợp sẽ dựa vào mức độ thiếu hụt trên kết quả xét nghiệm.

Vitamin B12: Thiếu B12 thường gặp ở những người bị suy giáp. Thực hiện xét nghiệm vitamin B12, nếu kết quả là thấp hoặc dưới mức tối ưu, các bác sĩ có thể yêu cầu bổ sung B12 hoặc B-complex.

Magiê: Mức magie thấp hoặc thiếu có liên quan đến rối loạn chức năng tuyến giáp và có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh suy giáp. Bổ sung magiê đã được chứng minh là giúp cải thiện các triệu chứng suy giáp.

Sắt: Thiếu sắt là tình trạng phổ biến ở phụ nữ bị suy giáp. Nồng độ sắt thấp hoặc thiếu máu do thiếu sắt có thể làm suy giảm chức năng tuyến giáp. Việc bổ sung thường là cần thiết để đạt và duy trì mức độ sắt khỏe mạnh.

Bên cạnh đó còn có các chất dinh dưỡng quan trọng đối với người bị suy giáp bao gồm: vitamin A, Folate, Canxi, Tyrosine

Trục ruột-tuyến giáp: Hệ vi sinh đường ruột ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp trong bệnh lý suy giáp do nguyên nhân tự miễn [4]

Bị suy giáp kiêng ăn gì?

Người bệnh suy giáp không cần hạn chế nhiều loại thực phẩm, tuy nhiên một số loại thực phẩm cần hạn chế ở người suy giáp bao gồm:

Thực phẩm chứa Gluten

Gluten là một nhóm protein được tìm thấy trong lúa mì, các loại ngũ cốc, các loại bánh kẹo, nước sốt.… Người bệnh tuyến giáp nên hạn chế những thực phẩm trên và cách tốt nhất  xem trên bao bì để xác định được hàm lượng Gluten có trong sản phẩm. Từ đó, lựa chọn thực phẩm cho phù hợp và hạn chế tối đa lượng Gluten hấp thu.

Một số nghiên cứu cho thấy những người bị viêm tuyến giáp Hashimoto có thể cải thiện bệnh từ chế độ ăn không chứa gluten.

Thực phẩm chế biến sẵn

Những người bị suy giáp nên tránh những thực phẩm góp phần gây ra stress oxy hóa và có tính viêm, chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, nhiều chất béo như đồ chiên rán.

Ngoài việc góp phần gây ra các phản ứng stress oxy hóa, chế độ ăn nhiều thực phẩm này có liên quan đến béo phì, Vậy nên, việc cắt giảm những sản phẩm này giúp người bệnh duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Ăn gì tốt cho tim mạch
Người suy giáp nên tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn

Các loại rau họ cải và đậu nành [5]

Goitrogens là những chất được tìm thấy trong các loại rau họ cải cũng như các sản phẩm từ đậu nành, chúng có thể cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp. Goitrogens hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh kênh natri/iot và giảm hoạt động của enzyme tổng hợp hormone tuyến giáp, do đó gây ức chế sự tổng hợp hormone tuyến giáp [7]

Tuy nhiên các nghiên cứu hiện nay cho thấy hầu hết mọi người, bao gồm cả những người bị suy giáp, có thể ăn một lượng vừa phải các loại thực phẩm này mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tuyến giáp [7]

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống bao gồm 18 thử nghiệm lâm sàng cho thấy sử dụng đậu nành không làm thay đổi hormone tuyến giáp, chỉ có ý nghĩa thay đổi nhẹ nên hormone TSH [8]

Do đó, người bệnh tuyến giáp không nên loại bỏ các loại thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn, mà nên tiêu thụ một cách hợp lý, đa dạng tất cả các loại thực phẩm để có một sức khỏe tốt nhất.

Nhiều loại thực phẩm có chứa goitrogens, bao gồm rau cải và thực phẩm làm từ đậu nành:

  • Rau cải: Cải thìa, súp lơ xanh, cải bắp, súp lơ trắng, cải xanh, su hào, rau chân vịt, củ cải,…
  • Thực phẩm từ đậu nành: Đậu phụ, tempeh, Edamane, sữa đậu nành.

Ngoài ra, việc nấu chín các loại thực phẩm này sẽ làm giảm hoạt động của hoạt chất Goitrogens, khiến chúng an toàn hơn cho những người bị suy giáp. Bên cạnh đó, người bệnh suy giáp cần đảm bảo cung cấp đủ iot để không nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt chất này lên sức khỏe strong [6]

Các loại rau họ cải có chứa nhiều goitrogens

Người suy giáp nên ăn gì?

Chế độ ăn giàu thực phẩm bổ dưỡng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Giảm nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe liên quan đến suy giáp, chẳng hạn như bệnh tim mạch, béo phì và tiểu đường loại 2.

Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm nguy cơ táo bón, đây là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh suy giáp. Người bệnh suy giáp có thể kết hợp các loại thực phẩm bổ dưỡng sau vào chế độ ăn uống:

  • Các loại rau không chứa tinh bột: rau xanh, atisô, bí xanh, măng tây, cà rốt, ớt, hoặc nấm.
  • Trái cây: quả mọng, táo, đào, lê, nho, trái cây họ cam quýt, dứa hoặc chuối
  • Cá, trứng, thịt và gia cầm, hải sản (cá biển và động vật có vỏ), trứng,… Nên ưu tiên ăn thịt nạc và chỉ ăn đậu nành ở mức vừa phải.
  • Chất béo lành mạnh: dầu ô liu, dầu quả bơ,…
  • Ngũ cốc không chứa gluten: gạo lứt, yến mạch cán, hạt quinoa hoặc mì ống gạo lứt.
  • Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên cám để giảm các nguy cơ rối loạn chuyển hóa chất bột đường ở người bệnh suy giáp.
  • Hạt giàu chất béo tốt: hạnh nhân, hạt điều, hạt mắc ca, hạt bí ngô hoặc đậu phộng.
  • Đậu và đậu lăng: đậu xanh, đậu tây hoặc đậu lăng, đậu đen,…
  • Gia vị, thảo mộc: các loại gia vị như ớt bột, nghệ tây hoặc nghệ, các loại thảo mộc tươi hoặc khô như húng quế hoặc hương thảo và gia vị salsa hoặc mù tạt.
  • Đồ uống: nước, trà không đường, cà phê hoặc nước có ga
Suy giáp nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng và thuốc tuyến giáp

Dùng thuốc tuyến giáp khi bụng đói giúp cơ thể hấp thụ tối ưu. Bên cạnh đó người bệnh cũng nên tránh các loại đồ uống, thực phẩm và chất bổ sung có thể cản trở việc hấp thụ thuốc.

Cà phê, chất xơ có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc hấp thụ thuốc tuyến giáp, vì vậy người bệnh nên uống thuốc khi bụng đói và đợi ít nhất 60 phút trước khi dùng thực phẩm hoặc các loại đồ uống khác.

Đồng thời, người bệnh cũng nên tránh dùng thuốc tuyến giáp trong vòng 4 giờ sau khi bổ sung sắt hoặc canxi [1]

7 thực đơn cho người suy giáp

Ngày Bữa sáng Bữa trưa Bữa tối
Thực đơn 1 Bánh đa cua

  • Bánh đa: 1 chén đầy
  • Thịt + gạch cua: 2 muỗng
  • Rau/giá: 1 chén

Phụ:

  • Táo: 200g
Cơm gạo, mực hấp hành, mướp xào giá

  • Cơm: 1,5 chén
  • Mực: 1 con vừa
  • Mướp, giá: 1 chén

Xế:

  • Sữa bổ sung Iod: 200ml
Cơm, Cá mè kho nén và nghệ, rau dền luộc

  • Cơm: 1,5 chén
  • Cá mè: 1 khứa vừa
  • Rau dền: 1 chén

Phụ:

  • Các loại hạt: 1 nắm tay
Thực đơn 2 Bánh mì ốp la

  • Bánh mì: 1 ổ 80g
  • Trứng: 2 quả
  • Dưa chuột + sà lách: 1 chén

Phụ:

  • Lê: 200g
Cơm, canh hẹ đậu phụ, cá ngừ kho dứa, rau khoai luộc

  • Cơm: 1,5 chén
  • Cá ngừ
  • Đậu phụ: 1 bìa
  • Hẹ: ⅓ chén
  • Rau khoai: 1 chén

Xế:

  • Sữa bổ sung Iod: 200ml
Cơm, thịt bò thăn áp chảo, măng tây xào tỏi, canh đu đủ xanh

  • Cơm: 1,5 chén
  • Thịt bò: 100g
  • Măng tây: 1/2 chén
  • Đu đủ xanh: 1 chén
  • Thịt băm: 30g

Phụ:

  • Các loại hạt: 1 nắm tay
Thực đơn 3 Bún bò

  • Bún: 1,5 chén
  • Thịt bò: 3-4 miếng
  • Rau ăn kèm: 1 chén

Phụ:

  • Thanh long: 80g
Cơm, Cá bạc má nấu ngót, khổ qua xào tỏi, cà rốt luộc

  • Cơm: 1,5 chén
  • Cá bạc má: 1 con nhỏ
  • Khổ qua: ½ chén
  • Cà rốt: ½ chén

Xế:

  • Sữa bổ sung Iod: 200ml
Cơm, thịt gà luộc, cải ngòng xào tỏi

  • Cơm: 1,5 chén
  • Ức gà: 100g
  • Dưa leo: ½ quả
  • Cải ngòng: 1 chén

Phụ:

  • Các loại hạt: 1 nắm tay
Thực đơn 4 Sandwich ngũ cốc, ½ quả táo

  • Sandwich ngũ cốc: 3-4 lát
  • Bơ đậu phộng không đường: 1 muỗng canh

Phụ:

  • Táo: 200g
Cơm gạo lứt, canh mồng tơi, tôm xào rau củ

  • Cơm: 1,5 chén
  • Mồng tơi: 1 chén
  • Thịt bằm: 1 muỗng canh
  • Tôm: 3-4 con
  • Bông cải, bắp non, đậu hà lan: 1 chén

Xế:

  • Sữa bổ sung Iod: 200ml
Hủ tiếu thịt

  • Hủ tiếu: 1,5 chén
  • Thịt nạc: 3-4 miếng
  • Sườn heo: 1 miếng
  • Củ cải: ½ chén
  • Rau/giá ăn kèm: 1 chén
Thực đơn 5 Xôi mặn

  • Xôi: 1 chén
  • Chả: 2-3 miếng
  • Thịt gà: 2-3 miếng
  • Dưa leo: ½ trái

Phụ:

  • Ổi: 200g
Cơm, chả cá chiên, rau muống luộc

  • Cơm: 1,5 chén
  • Chả cá chiên: 3-4 miếng
  • Rau muống: 1 chén

Xế:

  • Sữa bổ sung Iod: 200ml
Cháo yến mạch nấu tôm, cải thìa luộc

  • Yến mạch: 4 muỗng (40g)
  • Tôm băm: 3-4 con
  • Cà rốt: 80g
  • Nấm rơm: 3-4 cây
  • Cải thìa: 100g

Phụ:

  • Các loại hạt: 1 nắm tay
Thực đơn 6 Bánh mì đen, trứng ốp la, salad sà lách trộn trái cây

  • Bánh mì đen: 1,5 ổ
  • Trứng: 2-3 quả
  • Cải kale, cà chua bi: 1 chén
  • Dâu tây, cam vàng: 200g
  • Phô mai nhạt : 1 miếng 15g
Bún trộn chay

  • Bún: 1,5 chén
  • Đậu hũ chiên: 1 bìa
  • Nấm bào ngư: 100g
  • Rau/ giá/dưa leo ăn kèm: 150g

Xế:

  • Sữa bổ sung Iod: 200ml
Cơm, sườn ram chua ngọt, đậu cô ve luộc

  • Cơm: 1,5 chén
  • Sườn: 3-4 miếng
  • Đậu cô ve: 1 chén
Thực đơn 7 Yến mạch ngâm qua đêm

  • Yến mạch: 30g (3-4 muỗng)
  • Sữa kiêng iod: 200ml
  • Hạt macca, hạnh nhân: 1 nắm tay
  • Thanh long: 100g
  • Mâm xôi: 100g

Phụ:

  • Khoai luộc: 100g
Cơm, cá lóc kho, đậu bắp luộc, canh bầu

  • Cơm: 1,5 chén
  • Cá lóc: 1 khứa cá vừa
  • Đậu bắp: 1 chén
  • Bầu: 1 chén
Cơm, thịt nạc luộc, su su xào cà rốt

  • Cơm: 1,5 chén
  • Thịt heo: 7-8 lát
  • Susu, cà rốt: 1 chén

Phụ:

  • Cam: 200g

Tổng kết

Suy giáp, hay tuyến giáp hoạt động kém là một trong những vấn đề về sức khỏe. Suy giáp có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, táo bón, không dung nạp lạnh,… cùng nhiều triệu chứng khác.

Thực tế, không có chế độ ăn kiêng nào “tốt nhất” cho người suy giáp. Vậy nên người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng suy giáp, cải thiện chức năng tuyến giáp và tăng cường sức khỏe tổng thể cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Một chế độ dinh dưỡng cho người suy giáp phù hợp giàu thực phẩm toàn phần, chất dinh dưỡng như rau, trái cây, các loại hạt và cá.

Tài liệu tham khảo:

5/5 - (1 bình chọn)
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Form test

Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)

Bài Liên Quan
Trộn sữa mẹ với sữa công thức được không?
Trộn sữa mẹ với sữa công thức được không? Hướng dẫn chi tiết cho mẹ
Trộn sữa mẹ với sữa công thức được không? Sữa mẹ được xem như một nguồn dinh dưỡng tốt cho...
Nguyên nhân sữa mẹ bị loãng
Nguyên nhân sữa mẹ bị loãng và Cách khắc phục từ Chuyên gia
Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tuyệt vời cho trẻ. Cũng vì vậy, khi sữa mẹ bị loãng, khá nhiều...
Khoá học Tư vấn Dinh dưỡng
Khoá học Tư Vấn Dinh Dưỡng Cộng đồng - Bệ phóng Chuyên gia dinh dưỡng
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ của mỗi người. Thực chất, dinh dưỡng không chỉ...

Thời gian học:22/10/2024

Số buổi học:12

Hình thức học:Online qua Zoom

Giảng viên:BS.CKI. Đinh Trần Ngọc Mai, ThS.BS Lê Thị Thu Huyền,…

Học phí:6.000.000 VNĐ

[2024] Lộ trình đào tạo Dinh dưỡng Mẹ và Bé - Bí quyết cho mẹ khoẻ, bé thông minh
Ở trẻ em, không có gì quan trọng hơn chế độ dinh dưỡng phù hợp trong từng giai đoạn, giúp...

Thời gian học:29/07/2024

Số buổi học:13

Hình thức học:Online qua Zoom

Giảng viên:ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, BS. Vi Thị Tươi, BS. Nguyễn Thị Hoà

Học phí:6.500.000 VNĐ

Thiết Kế Web Ô tô Bởi Vĩnh XD