Bệnh lý huyết áp và các phân độ tăng huyết áp đáng lưu ý
Bệnh lý tăng huyết áp đang là nỗi lo của rất nhiều người vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường đối với sức khỏe. Để có hướng can thiệp điều trị thích hợp, mỗi người cần nắm được các phân độ tăng huyết áp ở từng giai đoạn khác nhau. Và nếu chưa rõ về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo những chia sẻ từ bác sĩ tại Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) ngay bên dưới!
Bệnh lý tăng huyết áp là gì?
Trước khi tìm hiểu về các phân độ tăng huyết áp, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số thông tin cơ bản về căn bệnh này.
Cao huyết áp (tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng vượt quá mức bình thường. Tình trạng huyết áp tăng cao này gây áp lực lớn cho tim và là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,..
Những loại cao huyết áp chủ yếu là:
- Cao huyết áp vô căn (nguyên phát): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp.
- Tăng huyết áp thứ phát: Liên quan đến một số bệnh ở động mạch, bệnh van tim, thận và một số bệnh nội tiết.
- Cao tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Trường hợp chỉ có huyết áp tâm thu tăng và huyết áp tâm trương ở mức bình thường.
- Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tiền sản giật và tăng huyết áp thai kỳ: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong thời kỳ mang thai.
Nguyên nhân tăng huyết áp
Cao huyết áp vô căn: Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân không rõ ràng được gọi là tăng huyết áp vô căn. Loại này thường do nguyên nhân di truyền và phổ biến hơn ở nam giới.
Cao huyết áp thứ phát: Là kết quả của một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hoặc do tác dụng của một số chất như thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, rượu bia, thuốc lá. Loại này chỉ chiếm khoảng 5 – 10% trên tổng số ca bệnh cao huyết áp. Điều trị triệt để nguyên nhân thứ phát có thể giải quyết tình trạng này.
Đối với tăng huyết áp gây ra bởi những tác dụng không mong muốn của thuốc, sau khi dừng thuốc có thể mất một thời gian để huyết áp ổn định trở lại về mức bình thường. Với trẻ em, đặc biệt là các trẻ dưới 10 tuổi, mắc cao huyết áp thứ phát thì nguyên nhân thường là do bệnh khác gây ra, điển hình là bệnh thận.
Tăng huyết áp trong thai kỳ: Bao gồm tăng huyết áp thai kỳ đơn thuần và tiền sản giật. Tăng huyết áp thai kỳ đơn thuần thường xảy ra sau tuần thai thứ 20. Tiền sản giật xảy ra sau khi thai nhi được 12 tuần tuổi, kèm theo phù và có đạm trong nước tiểu. Nguyên nhân tăng huyết áp thai kỳ là do thiếu máu trầm trọng, quá nhiều nước ối, mang thai con đầu lòng, đa thai, thai phụ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi, tiền sử cao huyết áp hoặc đái tháo đường,…
Các phân độ tăng huyết áp
Ngưỡng chẩn đoán bệnh huyết áp cao có thể có sự dao động nhẹ tùy theo cách đo huyết áp khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào các trị số huyết áp đo đúng quy trình bởi cán bộ y tế, chúng ta có các phân độ tăng huyết áp theo khuyến cáo điều trị tăng huyết áp của Ủy ban Liên Quốc gia lần thứ 7 (JNC 7) (1) như sau:
- Huyết áp tối ưu: Chỉ số huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
- Huyết áp bình thường: Chỉ số huyết áp tâm thu 120 – 129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80 – 84 mmHg.
- Tiền tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp tâm thu ở mức 130 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: Chỉ số huyết áp tâm thu ở mức 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: Chỉ số huyết áp tâm thu 160 – 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100 – 109 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 3: Chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Chỉ số huyết áp tối đa ≥ 140 mmHg và huyết áp tối thiểu < 90 mmHg.
Trong trường hợp huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương không cùng chung phân độ như trên, chúng ta ưu tiên chọn mức cao hơn để xếp loại. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng được phân cấp độ dựa vào mức dao động của huyết áp tâm thu.
Tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Qua phần trên bạn đọc đã biết về các phân độ tăng huyết áp và sau đây là giải đáp về những nguy hiểm của bệnh này.
Hội chứng tăng huyết áp, còn được gọi là “Kẻ giết người thầm lặng”, là một bệnh lý rất nguy hiểm. Điều nguy hiểm của cao huyết áp là nó thường không có triệu chứng rõ ràng, nhưng lại gây tổn thương nghiêm trọng cho động mạch và tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể, có thể dẫn đến các biến chứng như đột quỵ, đau tim và suy tim. Ngoài ra, huyết áp cao còn có thể tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể như thận, chân, tay và mắt. Đáng chú ý là bạn có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không có triệu chứng gì. Ngay cả khi không có triệu chứng, tổn thương cho mạch máu và tim vẫn tiếp tục diễn ra.
Đặc biệt, huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến một loạt các biến chứng nguy hiểm, tác động không chỉ đến tim mạch mà còn ảnh hưởng tới nhiều bộ phận và hệ thống trong cơ thể.
- Đau tim và đột quỵ: Áp lực cao trong động mạch làm cho thành mạch máu cứng và dày hơn. Điều này có thể dẫn đến triệu chứng đau tim. Nếu động mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn, người bệnh có thể bị đột quỵ – tức là một phần của não bị tổn thương do thiếu máu và oxy.
- Chứng phình động mạch: Huyết áp cao làm yếu các mạch máu và gây phình động mạch. Nếu động mạch đó bị vỡ, nó có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
- Suy tim: Huyết áp cao đòi hỏi tim phải làm việc hết sức để đẩy máu. Điều này dẫn đến tình trạng thành của buồng bơm tim dày lên (phì đại thất trái), khó bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu cơ thể, dẫn tới suy tim.
- Tổn thương mạch máu thận, chân tay và mắt: Áp lực cao trong mạch máu có thể gây ra tổn thương và hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như thận, chân tay và mắt. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại những cơ quan này.
- Rối loạn chuyển hóa: Huyết áp cao có thể gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
- Rối loạn về trí nhớ và hiểu biết: Không kiểm soát được tình trạng huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung. Một số người có thể bị mất trí nhớ và khó tiếp thu thông tin mới.
Do đó, việc kiểm soát huyết áp là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm này và bảo vệ sức khỏe tổng thể của cơ thể. Nếu bạn bị huyết áp cao, hãy phối hợp với bác sĩ để theo dõi và điều trị tình trạng này một cách hiệu quả.
Cách phòng ngừa và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng huyết áp
Cách phòng ngừa
Hiểu được các phân độ tăng huyết áp và mức độ nguy hiểm của bệnh, bạn càng cần phải nắm được cách phòng ngừa tình trạng này. Theo các chuyên gia, việc phòng bệnh cần dựa trên các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
Với những yếu tố không thay đổi được như di truyền hoặc môi trường sống, hiện chưa có biện pháp để phòng ngừa hiệu quả. Người có nguy cơ (gia đình có người bị cao huyết áp, môi trường sống ô nhiễm, ngột ngạt, căng thẳng,…) nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu đầu tiên của bệnh và can thiệp hiệu quả.
Còn với những yếu tố có thể thay đổi được như chế độ dinh dưỡng, thói quen vận động, sinh hoạt (hút thuốc lá, uống rượu bia,…) thì bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh ngay từ bây giờ để tránh nguy cơ bị cao huyết áp. Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, vận động, sinh hoạt như sau:
Chế độ dinh dưỡng
- Năng lượng: 30 kcal/kg cân nặng cơ thể lý tưởng/ngày. Để tính cân nặng lý tưởng, bạn hãy nhân số lẻ của chiều cao với 0,9. Ví dụ, người cao 153 cm sẽ có cân nặng lý tưởng là 53 x 0,9 = 47,7 kg.
- Protein: Chiếm 12 – 14% tổng năng lượng từ thức ăn.
- Chất béo: Chiếm 15 – 20% tổng năng lượng từ thức ăn. Nên ăn thực phẩm như dầu cá, dầu thực vật, hạt vừng, hạt lạc, cá,… Nên tránh ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như phủ tạng động vật: tim, gan, cật, lòng, não, tủy sống,…
- Muối: Ăn nhạt tùy theo đối tượng, lượng tối đa natri 2000mg/ngày.
- Kali: Khoảng 4000 – 5000mg/ngày. Cần đảm bảo cung cấp đủ kali trong khẩu phần ăn.
- Canxi: Khoảng 1000 – 1200mg/ngày. Cần cung cấp đủ lượng canxi hàng ngày để duy trì sức khỏe của xương và răng.
- Chất xơ: Khoảng 20 – 25g/ngày. Đây là lượng chất xơ cần thiết để hỗ trợ tiêu hóa và duy trì sức khỏe đường ruột.
- Cung cấp đủ các nguyên tố vi lượng và các loại vitamin A, B, C, E, acid folic để duy trì chức năng cơ thể.
- Số bữa ăn: Bạn nên chia khẩu phần ăn thành 3 – 4 bữa một ngày để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hải: “Việc xây dựng một chế độ ăn lành mạnh là một trong những cách giúp phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã chứng mình chế độ ăn DASH – chế độ ăn Địa Trung Hải đã giúp giảm huyết áp (2) ở những người đang mắc bệnh khá hiệu quả. Bằng việc hình thành những thói quen như giảm thịt đỏ, tăng lượng rau củ, trái cây, sử dụng sữa tách béo, tăng cường sử dụng thực phẩm giàu kali, magien canxi, tập thói quen ăn nhạt, mỗi ngày một chút để chính chúng ta tự bảo vệ được cơ thể của chính mình.”
Vận động
Để duy trì sức khỏe, bạn hãy xây dựng kế hoạch luyện tập với thời lượng từ 30 – 60 phút/ngày, với tần suất 5 ngày/tuần. Luyện tập không chỉ giúp giảm stress – một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp, mà còn tạo nên sự cân bằng cho tâm hồn.
Có nhiều hình thức tập luyện tốt cho sức khỏe. Bạn có thể lựa chọn đi bộ, bơi lội, hay các môn thể thao khác phù hợp với sức khỏe, được bác sĩ khuyến nghị.
Hạn chế thuốc lá, rượu bia và một số lưu ý khác
- Loại bỏ rượu, nước chè đặc, cà phê và thuốc lá khỏi chế độ ăn uống hàng ngày.
- Hạn chế sử dụng muối ăn và giảm mì chính, hạt nêm và các chất phụ gia không cần thiết.
- Tránh ăn thực phẩm chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối, mắm tôm, mắm tép, cá khô, và thực phẩm đóng hộp.
- Tăng cường tiêu thụ rau quả để cung cấp thêm kali cho cơ thể.
- Bổ sung thêm các thực phẩm có tác dụng an thần, hạ huyết áp và lợi tiểu như hạt sen, chè sen, ngó sen,…
Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây, bạn đọc hiểu thêm về các phân độ tăng huyết áp và cách kiểm soát bệnh lý hiệu quả. Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo các khóa học dinh dưỡng hoặc liên hệ tư vấn dinh dưỡng với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đọc thêm:
- Người cao huyết áp nên ăn hoa quả gì?
- Triệu chứng bệnh cao huyết áp và cách chữa trị kịp thời, đúng cách\
Nguồn tài liệu tham khảo:
- (1): https://www.medscape.com/viewarticle/457298
- (2): https://www.healthline.com/health-news/how-dash-diet-can-help-lower-blood-pressure-and-improve-heart-health
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.
VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)
- 105 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM
- Hotline: 0888 844 732
- Fanpage: https://www.facebook.com/nreci.org
- Website: https://nreci.org