.
.
.
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?

Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu? Chế độ ăn cho người suy thận cấp độ 5

0

Tham vấn y khoa: BS NGUYỄN THỊ HÒA – Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) – Chức vụ: Phó Viện Trưởng

Suy thận cấp độ 5 được xem là giai đoạn cuối của bệnh suy thận. Khi đến giai đoạn này, chức năng cũng như cấu trúc của thận suy giảm trầm trọng. Vì vậy, người bệnh bắt buộc phải điều trị tích cực để duy trì sự sống. Điều này cũng khiến cho người bệnh và người thân quan ngại suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu? Hãy cùng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây nhé.

Suy thận giai đoạn 5 là gì?

Suy thận độ 5 còn được xem là bệnh thận mạn giai đoạn cuối (End stage renal disease, ESRD). Đây được xem là giai đoạn nặng nhất của bệnh suy thận với mức lọc cầu thận GFR<15mL/ph/1,73 m2. Bệnh được biểu hiện bằng hội chứng ure máu và tình trạng này sẽ gây tử vong nếu không được điều trị thay thế thận. (1)

Trong đó, hội chứng ure máu (uremic syndrome)  là một hội chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Hội chứng này xảy ra không chỉ do sự gia tăng của ure huyết thanh mà còn tăng hơn 100 sản phẩm có nguồn gốc nito khác trong máu như peptide, các amino acid, creatinin,… khi người bệnh bị suy thận. (1)

Như vậy, có thể thấy khi bệnh tiến triển đến suy thận giai đoạn 5, cơ thể người bệnh chịu nhiều ảnh hưởng do thận gần như không còn chức năng đáp ứng. Từ đó, có thể gây nên nhiều nguy hiểm, khó kéo dài sự sống nếu không tuân thủ phác đồ và phương pháp điều trị từ bác sĩ.  

Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?

Như đã đề cập, suy thận giai đoạn 5 đồng nghĩa với chức năng thận suy giảm nghiêm trọng không thể tự đáp ứng khả năng lọc máu cho cơ thể. Thế nên, chất độc không thể lọc thải mà tích tụ ngày càng nhiều trong máu làm tổn thương các cơ quan, gây trì trệ đến hoạt động sống của cơ thể. Do đó, suy thận độ 5 đe dọa đến mạng sống của người bệnh.

Các chuyên gia cho biết, bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nếu được điều trị tích cực thì vẫn có thể kéo dài sự sống cho người bệnh. Thời gian sống của bệnh nhân có thể được kéo dài nếu tuân thủ tốt phác đồ điều trị, có lối sống lành mạnh và tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp với giai đoạn bệnh.

Vậy nên, suy thận độ 5 sống được bao lâu còn tùy thuộc vào từng người bệnh. Nếu người bệnh được hỗ trợ điều trị thường xuyên, đúng phương pháp và tuân thủ chế độ sống cùng dinh dưỡng lành mạnh thì có thể cải thiện sức khỏe và kéo dài sự sống. 

Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?
Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?

Suy thận giai đoạn 5 có chữa được không?

Suy thận độ 5 có chữa hay có điều trị khỏi không được nhiều người quan tâm. Khi suy thận tiến triển đến giai đoạn này là giai đoạn nặng, bệnh sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kéo dài thời gian sống cho người bệnh qua các liệu pháp thay thế thận:

  • Chạy thận nhân tạo
  • Lọc màng bụng
  • Ghép thận

Tất cả các liệu pháp thay thế thận giúp trao đổi chất hòa tan và đào thải dịch từ dòng máu ra khỏi cơ thể. Từ đó, ngăn chặn triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe và biến chứng nguy hiểm xảy ra. (2) 

Trừ trường hợp người bệnh từ chối điều trị, những người bệnh suy thận giai đoạn cuối, với lâm sàng của hội chứng ure huyết cao (thường xảy ra khi độ thanh thải creatinin < 15 ml/phút, hoặc sớm hơn ở người bệnh đái tháo đường) đều có chỉ định điều trị thay thế thận. Các chỉ định điều trị thay thế thận bao gồm:

  • Tăng kali máu không đáp ứng với điều trị nội khoa
  • Toan chuyển hóa nặng (khi việc dùng HCO3 có thể sẽ gây quá tải tuần hoàn).
  • Quá tải tuần hoàn, phù phổi cấp không đáp ứng với điều trị lợi tiểu
  • Suy dinh dưỡng tiến triển không đáp ứng với can thiệp khẩu phần
  • Mức lọc cầu thận từ 5-10ml/ph/1,73m2 (hoặc BUN > 100mg/dL, creatinine huyết thanh > 10mg/dL) (1) 

Bên cạnh đó, tùy theo bệnh nhân có triệu chứng bất thường nào thì bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp. (1) 

Tóm lại, các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần phác đồ điều trị tích cực, phù hợp với tình trạng và sự chăm sóc tích cực để kéo dài sự sống cũng như giảm các triệu chứng khó chịu. Hơn nữa, việc điều trị tích cực, phù hợp còn giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khỏe. 

Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?
Chạy thận nhân tạo giúp kéo dài tuổi thọ người bệnh

Một số biến chứng suy thận giai đoạn cuối

Bệnh suy thận giai đoạn cuối có biểu hiện của hội chứng ure huyết bao gồm 3 rối loạn chính:

  • Rối loạn gây ra do sự tích tụ các chất thải và chất độc trong cơ thể, quan trọng nhất là sản phẩm biến dưỡng của protein.
  • Rối loạn là hậu quả của sự mất dần các chức năng khác của thận như điều hòa cân bằng nội môi, điện giải và nội tiết tố.
  • Rối loạn là hậu quả của phản ứng viêm tiến triển gây ra các ảnh hưởng đến mạch máu và dinh dưỡng. (1)

Nếu không ngăn chặn những rối loạn này, người bệnh sẽ chịu nhiều hậu quả do các sự rối loạn trên gây ra như:

  • Rối loạn chuyển hóa natri: Có thể tăng hoặc làm giảm natri máu.
  • Rối loạn bài tiết nước: Tiểu đêm là triệu chứng của tình trạng lọc thải nước tiểu và sodium với mức độ thẩm thấu cố định. Lúc này, người bệnh dễ bị thiếu nước và muối, nếu tiết chế quá mức còn dễ giảm natri huyết thanh nếu uống quá nhiều nước.
  • Rối loạn chuyển hóa kali: Người bệnh có thể bị tăng hoặc giảm kali. Người bệnh tăng kali ở giai đoạn suy thận cuối do thận tăng tiết aldosteron làm tăng thải kali tại ống thận xa và tăng thải kali qua đường tiêu hóa. Trường hợp người bệnh suy thận giai đoạn cuối giảm kali ít gặp hơn, chủ yếu do tiết chế nguồn nhập kali kèm với việc dùng lợi tiểu quá nhiều hoặc do tình trạng tăng mất kali qua đường tiêu hóa.
  • Toan chuyển hóa: Khi bị suy thận, lượng acid bài tiết bị khống chế trong khoảng hẹp từ 30-40 mmol/ ngày nên rất dễ bị toan chuyển hóa. Từ đó, tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cơ thể.
  • Rối loạn chuyển hóa canxi và phospho: Bệnh suy thận khiến thận suy giảm chức năng, từ đó giảm bài tiết calci và phospho dẫn đến tăng phospho trong máu. Để duy trì tích số phospho và calci ổn định trong máu, calci trong máu giảm khi phospho tăng, kích thích tuyến cận giáp tiết PTH, làm tăng huy động calci từ xương vào máu, phức hợp calci – phospho tăng lắng đọng tại mô, gây rối loạn chuyển xương, tăng bài tiết phospho tại ống thận. Tình trạng này khiến xương yếu đi, dễ gãy và gia tăng đau cơ xương khớp.
  • Rối loạn tim mạch: Người suy thận giai đoạn cuối thường gặp phải các rối loạn về tim mạch, đe dọa sự sống như tăng huyết áp, dày thất trái, viêm màng ngoài tim, suy tim sung huyết, bệnh mạch máu.
  • Rối loạn về huyết học: Người bệnh sẽ đối mặt với tình trạng thiếu máu, rối loạn đông máu và rối loạn chức năng bạch cầu. Trong đó, tình trạng rối loạn đông máu bao gồm kéo dài thời gian đông máu, giảm hoạt tính của yếu tố III tiểu cầu, giảm độ tập trung tiểu cầu và giảm prothrombin. Với tình trạng rối loạn chức năng bạch cầu bao gồm giảm sản xuất bạch cầu, giảm chức năng bạch cầu do suy dinh dưỡng, toan chuyển hóa, môi trường tăng ure máu và do teo hạch lympho.
  • Rối loạn tiêu hóa và dinh dưỡng: Người bệnh dễ buồn nôn và nôn. Bên cạnh đó, chế độ ăn giảm đạm giúp giảm gánh nặng cho thận, giảm được buồn nôn và nôn nhưng gia tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
  • Rối loạn thần kinh cơ: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng như giảm trí nhớ, kém tập trung, rối loạn giấc ngủ. Sau đó, tiến triển thành thần kinh kích thích như thường nấc cụt, chuột rút, co cơ, nặng hơn là rung vẫy, co giật và hôn mê.
  • Rối loạn nội tiết và chuyển hóa: Ở bệnh nhân nữ, lượng hormone estrogen giảm gây rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng thụ thai và dễ bị sảy thai, nhất là khi GFR giảm còn 40ml/ph, chỉ có 20% sản phụ ở thể sinh được, con còn sống và ngược lại, thai kỳ sẽ đẩy nhanh tiến triển của suy thận. Đối với bệnh nhân nam, nồng độ testosterone giảm dẫn đến rối loạn tình dục và thiểu sản tinh trùng. Song, các rối loạn nội tiết này sẽ được cải thiện sau khi người bệnh điều trị lọc máu tích cực hoặc sau ghép thận thành công.
  • Tổn thương da: Khi suy thận giai đoạn cuối, người bệnh xuất hiện các triệu chứng trên da nặng hơn, dễ thấy rõ hơn: da vàng xanh do thiếu máu, xuất huyết da và lộ mảng bầm trên da do rối loạn đông máu, da tăng sắc tố do tăng lắng đọng các sản phẩm biến dưỡng tăng sắc tố hoặc urochrome. Và triệu chứng khó chịu nhất chính là ngứa ngáy, triệu chứng này có thể kéo dài ngay sau khi đã được lọc máu. (1) 

Nhìn chung, suy thận tiến triển giai đoạn cuối nếu không được điều trị, can thiệp tích cực sẽ gây nên nhiều rối loạn trong cơ thể. Các rối loạn này không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, gây nên các triệu chứng khó chịu mà còn tổn thương các cơ quan, đe dọa mạng sống của người bệnh. 

suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?
Biến chứng thận giai đoạn cuối có thể gây các bệnh về tim mạch

Suy thận độ 5 ăn gì? Tư vấn chế độ ăn cho người suy thận tại NRECI  

Theo Bác sĩ Nguyễn Võ Trà Mi – Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI): “Bên cạnh liệu pháp điều trị suy thận, chế độ chăm sóc, lối sống và dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong duy trì sự sống và sức khỏe cho người bệnh. Do đó, chế độ ăn uống của người bệnh cần được chú ý, tuân thủ tư vấn dinh dưỡng từ bác sĩ để đáp ứng đủ số lượng, đủ chất mà không gây áp lực lên cho thận.”                                                                                                                                                                          

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phân phúc mạc 1 lần/tuần (3) 

Nguyên tắc dinh dưỡng 

  • Năng lượng: 35 Kcal/kg cân nặng khô/ngày.
  • Protid: 0,8 g/kg cân nặng khô/ngày. Tỷ lệ  protid động vật/tổng số ≥60%
  • Lipid: 20-30% tổng năng lượng. Acid béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3  trong tổng số lipid.
  • Đảm bảo cân bằng lượng nước và các chất điện giải:
  •  Ăn nhạt tương đối, lượng natri: Thận nhân tạo: < 2000mg natri/ngày; Lọc màng bụng: < 2000mg natri/ngày.
  • Hạn chế nước ăn và uống khi có chỉ định: V n­ước = V n­ước tiểu + V dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy…) + 300 đến 500 ml (tùy theo mùa).
  • Kali: 1000- 1500mg/ngày.
  • Phosphat < 800mg/ngày, hạn chế các thực phẩm giàu phosphat.
  • Bổ sung lượng vitamin và chất khoáng đủ theo nhu cầu.
  • Số lượng bữa ăn: 4 bữa/ngày.

Cơ cấu khẩu phần cho người bệnh nặng 50-55kg:

  • Năng lượng: 1800- 1900 Kcal/ ngày
  • Protid:  40- 44g/ ngày
  • Lipid: 40- 53g/ ngày
  • Glucid: 313- 336g/ ngày
  • Natri: < 2000mg/ ngày
  • Kali: 1000- 1500mg/ ngày
  • Phosphat: < 800mg/ ngày
  • Nước: 1- 1,5 lít/ ngày
suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?
Cân bằng chế độ ăn cho người suy thận là vô cùng cần thiết

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phân phúc mạc 2 lần/tuần (3) 

Nguyên tắc dinh dưỡng

  • Năng lượng: 35 Kcal/kg cân nặng khô/ngày.
  • Protid: 1 g/kg cân nặng khô/ngày. Tỷ lệ lượng protid động vật/tổng số ≥ 60%
  • Lipid: 20-25% năng lượng. Acid béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3  trong tổng số lipid.
  • Đảm bảo cân bằng lượng nước và chất điện giải:
  • Hàm lượng natri: Thận nhân tạo: 2000- 3000mg Na/ngày; Lọc màng bụng: 2000- 4000mg Na/ngày
  • Hạn chế nước ăn và uống khi có chỉ định: V n­ước = V n­ước tiểu + V dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy…) + 300 đến 500 ml (tùy theo mùa).
  • Kali: 2000-3000mg/ngày.
  • Phosphat < 1200mg/ngày, hạn chế các loại thực phẩm giàu phosphat.
  • Cung cấp đủ vitamin và chất khoáng.
  • Số lượng bữa ăn: 4 bữa/ngày.

Cơ cấu khẩu phần cho người bệnh nặng 50-55kg:

  • Năng lượng: 1800-1900 Kcal/ ngày
  • Protid: 50-55g/ ngày
  • Lipid: 40-50g/ ngày
  • Glucid: 290-325g/ ngày
  • Natri: 2000-4000mg
  • Kali: 2000-3000mg
  • Phosphat: <1200mg
  • Nước: 1-1,5 lít/ ngày

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phân phúc mạc 3 lần/tuần (3) 

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh nặng 50-55kg:

  • Năng lượng: 35 Kcal/kg cân nặng khô/ngày.
  • Protid: 1,2-1,3 g/kg cân nặng khô/ngày. Tỷ lệ protid động vật/tổng số ≥ 60%
  • Lipid: 20- 25% tổng năng lượng. Acid béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3  trong tổng số lipid.
  • Đảm bảo cân bằng nước và điện giải:
  • Lượng Natri: Lọc máu ngoài thận: 2000- 3000mg natri/ngày; Lọc màng bụng: 2000- 4000 mg natri/ngày.
  • Hạn chế nước ăn và uống khi có chỉ định: V n­ước = V n­ước tiểu + V dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy…) + 300 đến 500 ml (tùy theo mùa).
  • Kali: 2000-3000mg/ngày.
  • Phosphat < 1200mg/ngày. Hạn chế các thực phẩm giàu phosphat.
  • Bổ sung đủ vitamin và chất khoáng nhưng theo nhu cầu.
  • Số lượng bữa ăn: 4 bữa/ngày.

Cơ cấu khẩu phần

  • Năng lượng: 1800-1900 Kcal/ ngày
  • Protid: 60-70g/ ngày
  • Lipid: 40-50g/ ngày
  • Glucid: 280-314g/ ngày
  • Natri: 2000-4000mg/ ngày
  • Kali:  2000-3000mg/ ngày
  • Phosphat: <1200mg/ ngày
  • Nước: 1-2 lít/ ngày.

Trên đây là nguyên tắc dinh dưỡng và cơ cấu khẩu phần ăn trong ngày cho người bệnh suy thận mạn có lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phúc mạc 1,2,3 lần/ tuần. Với nguyên tắc và khẩu phần này, người thân hay người chăm sóc có thể cân đối lượng các chất, cũng như chọn thực phẩm phù hợp cho người bệnh. Điều này vừa giúp người bệnh đáp ứng năng lượng, dinh dưỡng vừa không ảnh hưởng đến chức năng của thận và hạn chế biến chứng nguy hiểm. 

Song, vẫn có nhiều người băn khoăn và lo lắng trong xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy thận giai đoạn 5. Điều này có thể được giải quyết bằng cách tham khảo tư vấn dinh dưỡng từ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.

Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?
Tham vấn ý kiến bác sĩ để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp

Viện NRECI với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn thiết kế chế độ ăn uống phù hợp cho từng bệnh nhân. Điều này không chỉ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, đáp ứng đủ dưỡng chất, năng lượng mà còn tăng hiệu quả điều trị.

Đến với Viện NRECI, người bệnh sẽ được thăm khám và tư vấn theo quy trình:

  • Xác định tình trạng dinh dưỡng người bệnh
  • Khai thác và đánh giá  khẩu phần ăn
  • Khai thác tiền sử dinh dưỡng, tiền sử suy thận, mức độ suy thận, phương pháp đang điều trị
  • Tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt cùng bác sĩ
  • Xây dựng thực đơn chi tiết từng ngày theo từng cá thể, từng mức độ suy thận
Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu?
Mẫu thực đơn suy thận chuyên biệt cho từng cá nhân

Trong quá trình này, bác sĩ và các chuyên gia cùng đồng hành cùng người thân và bệnh nhân để theo dõi tình trạng cũng như khả năng đáp ứng dinh dưỡng, điều này giúp người bệnh kéo dài được sự sống lâu hơn.

Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết về suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu giúp mọi người bổ sung thêm kiến thức. Để kéo dài sự sống và duy trì sức khỏe tốt nhất cho người bệnh, cần phải phối hợp chặt chẽ giữa phác đồ điều trị với lối  sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Đồng thời, cũng phải giúp người bệnh thoải mái về tinh thần, tránh tiêu cực, lo lắng quá nhiều. Hãy liên hệ với Viện NRECI để được tư vấn và giải đáp chi tiết hơn nhé!

Xem thêm: 

Tài liệu tham khảo: 

5/5 - (2 bình chọn)
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Form test

Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)

Bài Liên Quan
Dấu hiệu thiếu canxi ở mẹ bầu
Dấu hiệu thiếu Canxi ở mẹ bầu và cách bổ sung hiệu quả
Mang thai là hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy thử thách đối với người phụ nữ. Khi cơ thể...
Các loại rau củ cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi
Bổ sung các loại rau củ cho bé ăn dặm là thật sự cần thiết, bởi rau củ chứa nhiều...
Bé mấy tháng ăn dặm là tốt nhất?
Bé mấy tháng ăn dặm là tốt nhất?
Ăn dặm là quá trình các bé đang bú sữa mẹ được làm quen với các loại thức ăn thô....
Ăn dặm truyền thống là gì?
 Ăn dặm truyền thống là gì? Phương pháp ăn dặm truyền thống kết hợp BLW
Khi bé được khoảng 5-6 tháng tuổi, nhiều cha mẹ bắt đầu cho con ăn dặm. Lúc này có nhiều...
Thiết Kế Web Ô tô Bởi Vĩnh XD