Suy thận độ 3 có chữa được không? Đặc điểm, Biểu hiện và Điều trị suy thận độ 3
Tham vấn y khoa: BS NGUYỄN THỊ HÒA – Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) – Chức vụ: Phó Viện Trưởng
Suy thận mạn được chia làm 5 giai đoạn, trong đó suy thận độ 3 là mức độ tương đối nặng, tuy nhiên chức năng thận vẫn chưa mất đi hoàn toàn. Vậy liệu suy thận độ 3 có chữa được hay không? Đặc điểm, biểu hiện của suy thận độ 3 như thế nào? Phương pháp điều trị ra sao? Hãy cùng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) giải đáp những thắc mắc của bạn nhé!
Tin liên quan:
Đặc điểm, biểu hiện của suy thận độ 3
Bệnh thận mạn (CKD – Chronic Kidney Disease) là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận, kéo dài trên 3 tháng và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Theo Hội Thận học Hoa Kỳ (NKF – National Kidney Foundation), suy thận mạn được phân thành 5 giai đoạn dựa vào GFR (Chỉ số giảm mức lọc cầu thận) như sau: (1)
Giai đoạn | Mô tả | MLCT (ml/ph/1,73m2 da) |
---|---|---|
1 | Tổn thương thận với MLCT bình thường hoặc tăng | ≥ 90 |
2 | Tổn thương thận với MLCT giảm nhẹ | 60-89
|
3 | Giảm MLCT trung bình, chia làm 2 giai đoạn: 3A, 3B | 45-59 (3A)
30-44 (3B) |
4 | Giảm MLCT nặng | 15-29 |
5 | Bệnh thận mạn giai đoạn cuối | < 15 hoặc phải điều trị thận nhân tạo |
Ở giai đoạn suy thận độ 3, chức năng thận đã suy giảm đáng kể, tuy nhiên biểu hiện, triệu chứng thường không rõ ràng, dễ nhầm với các bệnh lý khác. Người bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, đi kèm một số các biểu hiện như sau:
Giảm lượng nước tiểu
Bệnh nhân suy thận độ 3 đã có những tổn thương nhất định ở hệ thống cầu thận, hệ mạch thận và tổ chức ống kẽ thận. Khi khối lượng các nephron bị tổn thương quá nhiều, số nephron nguyên vẹn còn lại bắt buộc phải làm việc nhiều hơn, không đủ để duy trì sự hằng định của nội môi và bắt đầu xuất hiện các rối loạn về nước và điện giải. Từ những tổn thương trên, giảm khả năng lọc của cầu thận gây nên thiểu niệu ở bệnh nhân suy thận độ 3.
Ngoài ra, do màng lọc cầu thận bị tổn thương nên các lỗ lọc rộng ra sẽ làm thất thoát protein và tế bào máu, nước tiểu sẽ đậm màu xen lẫn có mùi khó chịu, sủi bọt.
Phù
Ở bệnh nhân suy thận độ 3, độ lọc cầu thận giảm dẫn đến những chất độc và nước không được đào thải ra khỏi cơ thể từ đó gây nên tình trạng ứ đọng và tích tụ trong các khoang bào gây nên hiện tượng phù.
Những cơ quan như mí mắt, lòng bàn tay, mắt cá chân là các bộ phận thường xuất hiện tình trạng phù.
Khó thở không rõ nguyên nhân
Khó thở không rõ nguyên nhân là một trong những biến chứng dễ làm người bệnh chủ quan và lầm tưởng.
Độ lọc cầu thận giảm, tuần hoàn máu giảm, hiện tượng ứ muối và nước ngày càng diễn ra nặng hơn, tình trạng phù diễn tiến nặng sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, suy tim,…. đồng thời khi số lượng hồng cầu trong máu giảm, bị thất thoát trong quá trình đào thải của thận dẫn đến việc vận chuyển oxy trong máu khó khăn. Người bệnh sẽ cảm thấy tức ngực, khó thở.
Đau hoặc cảm thấy nặng ngực
Thận là một trong những cơ quan quan trọng nhất chịu trách nhiệm duy trì sự chênh lệch nồng độ K+ huyết tương một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo hoạt động điện thế của tế bào, đặc biệt là những tế bào thần kinh và cơ tim.
Khi thận bị tổn thương gây nên tình trạng ứ đọng dịch, gây mất cân bằng kiềm toan. Lượng K+ dư thừa không được đào thải, ứ đọng trong cơ thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim, ngừng tim hay rung tim khiến bệnh nhân cảm thấy đau ngực. Có thể gây nên suy tim, đột quỵ,….có nguy cơ tử vong.
Mệt mỏi, uể oải
Ngoài chức năng chính là đào thải những chất thải trong quá trình chuyển hóa thì thận còn hỗ trợ điều hòa sản xuất Erythropoietin (EPO – một nội tiết tố kích thích tủy xương sản sinh nên tế bào hồng cầu và biệt hóa chúng).
Khi thận bị tổn thương, tế bào cạnh cầu thận sẽ giảm tiết EPO, không đủ để kích thích tủy xương làm việc. Gây nên tình trạng thiếu máu, lâu dài làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, uể oải rõ rệt.
Đồng thời, các lỗ lọc trên màng lọc cầu thận rộng ra làm cho các tế bào hồng cầu thất thoát qua đường nước tiểu. Điều này cũng làm cho bệnh nhân suy thận thiếu máu hơn so với người bình thường.
Kém ăn, buồn nôn, nôn
Kém ăn, cảm thấy buồn nôn, nôn là 1 trong những triệu chứng đáng báo động ở người bệnh suy thận độ 3. Tình trạng này xuất hiện khi lượng kali dư thừa quá nhiều trong máu, thận không kịp đào thải để cân bằng. Đi kèm với biểu hiện đau thắt cơ ngực, rối loạn nhịp tim, khó thở thì bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, chán ăn.
Tình trạng này kéo dài làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, miệng có mùi hôi hoặc mùi kim loại làm giảm cảm giác ngon miệng khi ăn.
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Sụt cân không chủ ý là một trong những dấu hiệu mà bệnh nhân suy thận độ 3 cần chú ý. Thận bị tổn thương làm mất một lượng protein của cơ thể. Kèm theo biểu hiện chán ăn, buồn nôn, nôn khiến bệnh nhân suy thận độ 3 không còn cảm giác thèm ăn. Hơn nữa, cơ thể của người bệnh sẽ tăng tiêu hao năng lượng hơn vì những đáp ứng viêm và việc dinh dưỡng kém sẽ khiến cho người bệnh sụt cân nhanh chóng, lâu dài khiến cho người bệnh suy kiệt/suy mòn khối cơ.
Ngứa ngáy
Ở những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối sẽ có khả năng bị ngứa da nhiều nhất, nhưng tình trạng này vẫn có thể xảy ra ở người bệnh suy thận giai đoạn đầu.
Thận bị tổn thương gây ra sự tích tụ chất độc và chất thải. Tuyến mồ hôi co lại khiến cho da ở bệnh nhân suy thận trở nên khô hơn. Cơ thể tạo ra những chất gây ra triệu chứng như ngứa. Những khu vực thường xuất hiện tình trạng này như ở mặt, cổ, cánh tay,….
Co rút cơ
Co rút cơ thường thấy ở những bệnh nhân suy thận mạn đang trong quá trình lọc máu, tuy nhiên điều này không có nghĩa là suy thận ở những giai đoạn đầu không gặp tình trạng này. Thận làm việc không hiệu quả dẫn đến ứ đọng các chất thải và mất cân bằng các chất điện giải, các chất thải tồn đọng nhiều trong máu gây nên những tổn thương cơ và thần kinh từ đó xuất hiện tình trạng co cơ, yếu cơ, chuột rút ở bệnh nhân suy thận.
Thiếu máu (biểu hiện hoa mắt, chóng mặt)
Chức năng thận suy giảm, không đủ điều hoà tiết EPO – hoạt chất kích thích tủy xương làm việc, tạo nên tế bào hồng cầu kèm theo đó chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân suy giảm khiến họ sụt cân không chủ ý, ngày càng suy kiệt, biểu hiện thường xuyên như chóng mặt, hoa mắt, thiếu máu hơn so với người bình thường.
Suy thận độ 3 có nguy hiểm không?
Suy thận độ 3 là mức độ suy thận trung bình trong 5 cấp độ, tuy chưa đến giai đoạn cuối nhưng nếu không phát hiện bệnh kịp thời và kiểm soát tốt chế độ dinh dưỡng thì sẽ nhanh chóng tiến triển thành suy thận giai đoạn 4-5.
Suy thận độ 3 khiến chức năng của thận suy giảm đi nhiều khoảng tầm 50%-75% , nguy cơ có những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe rất cao. Suy thận có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Mức độ suy thận: ở bệnh nhân suy thận giai đoạn 3, nằm ở mức trung bình, tuy nhiên ở giai đoạn này độ lọc cầu thận đã giảm đến 75%, vì vậy nếu không có phát hiện kịp thời sẽ làm cho tình trạng bệnh tiến triển nhanh hơn đến giai đoạn cuối (giai đoạn 4-5)
- Nguyên nhân suy thận:
- Theo NIDDK (the National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases), nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn tính phổ biến nhất là bệnh lý đái tháo đường và huyết áp cao. Các nguyên nhân khác thông thường đến từ những tổn thương tại thận như viêm cầu thận, dị tật từ khi còn trong bụng mẹ như hẹp động mạch thận, đường tiết niệu, hội chứng rối loạn di truyền như bệnh thận đa nang (PKD), hội chứng Alport.
- Suy thận mạn tính cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và mạch máu, vì vậy việc phát hiện kịp thời và điều trị sớm sẽ ngăn cản thận không tiến triển nặng hơn.
- Phương thức điều trị:
- Không có phương pháp điều trị cho bệnh lý suy thận mạn hoàn toàn nhưng việc điều trị có thể làm giảm các triệu chứng và ngăn diễn tiến của bệnh ngày càng nặng hơn.
- Các phương pháp điều trị chính mà các bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân suy thận độ 3 bao gồm: Dùng thuốc để kiểm soát các bệnh lý liên quan (nếu có) như đái tháo đường, huyết áp cao, cholesterol cao) và thay đổi, điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn.
- Tình trạng dinh dưỡng: Bệnh nhân suy thận mạn có nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao. Cơ chế bệnh sinh ở bệnh nhân suy thận khiến họ có những triệu chứng giảm cảm giác thèm ăn, buồn nôn, dẫn đến sụt cân không chủ ý. Suy dinh dưỡng khiến việc đáp ứng liệu trình điều trị trở nên khó khăn và kéo dài thời gian nằm viện hơn. Nhưng ngược lại, nếu chế độ dinh dưỡng được kiểm soát quá mức cũng sẽ khiến cho người bệnh suy mòn khối cơ vì không cung cấp đủ lượng protein cần thiết. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy thận độ 3 càng nên được chú trọng hơn. Dinh dưỡng tốt và phù hợp sẽ hỗ trợ cho thận có thể phục hồi và tránh tiến triển nặng.
- Tuổi: Càng lớn tuổi, chức năng thận ngày càng suy giảm, các tế bào lọc cầu thận cũng teo theo thời gian. Tuần hoàn máu giảm sẽ khiến cho thận làm việc kém hiệu quả. Bệnh thận mạn tính (CKD) là một vấn đề bệnh lý lâm sàng thường gặp ở người cao tuổi, nguyên nhân chủ yếu là đến từ các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
- Bệnh lý đi kèm: Các bệnh lý như đái tháo đường, tim mạch, thừa cân – béo phì,… là những bệnh lý thông thường đi kèm với bệnh nhân suy thận. Những biến chứng của các bệnh lý nêu trên khiến cho tình trạng bệnh nhân suy thận trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ đối với người có bệnh lý tim mạch sẽ làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến thận, tăng huyết áp lâu dần làm suy giảm chức năng lọc thận. Hoặc đối với người bệnh đái tháo đường, nồng độ glucose trong máu cao sẽ gây tổn thương lên các cơ quan khác như thận, tim, mạch máu,… tăng nguy cơ tử vong cao hơn nếu không kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo.
Suy thận độ 3 có chữa được không?
Suy thận mạn không thể chữa trị hoàn toàn, việc điều trị sớm hỗ trợ cho người bệnh hạn chế các biến chứng và triệu chứng của bệnh lý này.
Suy thận độ 3 là mức độ suy thận trung bình, bệnh tương đối nặng, chức năng thận vẫn chưa mất đi hoàn toàn, vẫn có thể điều trị duy trì. Nếu tuân theo phác đồ điều trị, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và tuân thủ lối sống lành mạnh, bệnh nhân suy thận độ 3 có thể làm chậm tiến triển bệnh, đợt cấp suy thận mạn có thể giảm.
Đọc thêm: Suy thận độ 3 có phải chạy thận không? Suy thận độ 3 nặng hay nhẹ?
Suy thận độ 3 ăn gì? Thực đơn cho người suy thận độ 3
Theo Bác sĩ Nguyễn Võ Trà Mi – Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng: “Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và hạn chế tiến triển của bệnh lý suy thận. Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ hỗ trợ cho người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện mức lọc cầu thận, giảm nhẹ các triệu chứng của người bệnh.”
Những thực phẩm mà người bệnh suy thận cần ưu tiên lựa chọn trong chế độ dinh dưỡng bao gồm:
- Các loại tinh bột có lượng đạm thấp như: miến, khoai củ, bột sắn, gạo lứt,… Ăn có mức độ các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc từ động vật như thịt gà, ức gà, thịt heo, thịt bò,…. tùy theo mức độ suy thận và dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
- Nên lựa chọn thực phẩm có hàm lượng natri thấp như: bắp cải, súp lơ trắng, khoai lang, đậu bắp, rau bina, cà rốt,… Trong tình trạng nếu bệnh nhân có phù, tăng huyết áp cần tính toán lượng natri, lượng muối, gia vị chứa natri khi chế biến món ăn.
- Hạn chế những thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn như mì tôm, phở, bún, miến ăn liền, cá hộp, xúc xích đông lạnh,…
- Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều kali như: củ cải trắng, khoai tây khô, mộc nhĩ, ngải cứu, rau dền cơm, lá lốt, rau mùi, rau khoai lang, giá đậu tương, rau dền đỏ, diếp cá,…
Tham khảo: Xây dựng thực đơn cho người suy thận độ 5
Để làm nên một thực đơn phù hợp cho người bệnh suy thận giai đoạn 3 không lọc máu, không tăng kali máu cần tuân theo những nguyên tắc dinh dưỡng sau đây:
- Năng lượng và protein: Năng lượng khuyến nghị cho bệnh nhân suy thận khoảng 35 Kcal/ kg cân nặng lý tưởng/ ngày. Lượng protein nạp vào cơ thể là 0,4-0,6/ kg cân nặng lý tưởng/ ngày. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng protein được tối ưu nên cần đảm bảo 50-60% protein có giá trị sinh học cao.
- Lipid: Ở những bệnh nhân suy thận mạn, vấn đề quan trọng trong rối loạn chuyển hóa lipid là bệnh lý liên quan tới tim mạch. Lượng chất béo khuyến cáo cho bệnh nhân suy thận nên khoảng từ 20-25% tổng năng lượng, trong đó axit béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, axit béo nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3 trong tổng số lượng lipid. Có thể thay đổi cách chế biến thành từ chiên xào thành những món luộc, hấp để tốt cho sức khỏe hơn. Ngoài ra, có thể thay thế bằng những chất béo lành mạnh hay còn gọi là chất béo không bão hòa từ dầu oliu, dầu bơ,…
- Muối: Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh lý suy thận là tăng huyết áp, vì vậy cần kiểm soát muối cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong chế độ ăn dành cho nhóm bệnh nhân này. Lượng muối nên hạn chế <2000mg/ ngày để giảm thải protein qua nước tiểu, giảm phù, giảm biến chứng liên quan đến tim mạch
- Kali: Chế độ ăn dành cho bệnh nhân suy thận độ 3 cần được kiểm soát kali nếu có tăng kali máu, lượng kali dưới 1000mg/ngày.
- Hạn chế nước nhập vào cơ thể (bao gồm nước uống, sữa, canh,..) khi có chỉ định của bác sĩ.
- Phosphat: Dưới 1200 mg/ngày, hạn chế các thực phẩm giàu phosphat như nội tạng động vật, hải sản,…
- Cần cung cấp đủ vitamin và khoáng chất
- Số bữa ăn trong ngày khoảng 4 bữa
Tóm lại, để xây dựng nên một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp cho từng đối tượng người bệnh khác nhau cần phải dựa vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý của từng người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ cho người bệnh trên con đường điều trị bệnh lý mà họ đang mắc phải, tại Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, chúng tôi có đội ngũ các bác sĩ, cử nhân dinh dưỡng sẽ thăm khám, kiểm tra và đưa ra phác đồ can thiệp dinh dưỡng điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.
Xem thêm:
- Tham khảo 7 chế độ ăn cho người suy thận giai đoạn cuối
- Suy thận độ 4 sống được bao lâu? Dinh dưỡng cho người suy thận độ 4
- Suy thận nên ăn gì? TOP thực phẩm tốt cho người suy thận
- Thực đơn cho người suy thận độ 4
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.
VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)
- 105 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM
- Hotline: 0888 844 732
- Fanpage: https://www.facebook.com/nreci.org
- Website: https://nreci.org
Tham vấn y khoa
Tôi là Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, hiện đang là Trưởng khoa Dinh dưỡng Nhi tại Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI). Tôi có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng, giúp các bệnh nhân vượt qua tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì. Ngoài ra, tôi còn khắc phục các vấn đề về bệnh lý như suy thận, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… Sứ mệnh của tôi là mang kiến thức dinh dưỡng chuẩn khoa học tới với cộng đồng, để từ đó góp phần nâng cao tầm vóc và sức khỏe của người Việt Nam. Hy vọng rằng những chia sẻ của tôi sẽ giúp ích phần nào cho công cuộc nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Quy trình kiểm duyệt nội dung tại Viện Nghiện cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI)