
Tham khảo 7 chế độ ăn cho người suy thận giai đoạn cuối
Tham vấn y khoa: BS NGUYỄN THỊ HÒA – Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) – Chức vụ: Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Nhi
Suy thận giai đoạn cuối là tình trạng mà cấu trúc của thận bị tổn thương nặng nề và gần như mất đi hết mọi chức năng. Do đó, để củng cố sức khỏe và duy trì thời gian sống cho người bệnh, mọi người cần hết sức chú ý xây dựng chế độ ăn uống phù hợp. Chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo nguyên tắc để vừa hỗ trợ sức khỏe vừa không làm tình trạng suy thận thêm nặng. Để xây dựng được chế độ ăn cho người suy thận giai đoạn cuối, hãy cùng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng NRECI tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây nhé.
Tin liên quan:
Xây dựng chế độ ăn cho người suy thận giai đoạn cuối cần lưu ý những gì?
Khi thiết kế và xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, người thân cần tham khảo ý kiến và tư vấn dinh dưỡng từ các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ. Điều này giúp mọi người lên kế hoạch chọn lựa thực phẩm phù hợp cũng như phân bổ và cân đối lượng dưỡng chất đáp ứng nhu cầu cơ thể mà không gây áp lực, gánh nặng cho thận.

Bên cạnh đó, người bệnh suy thận giai đoạn cuối thường phải điều trị liệu pháp thay thế thận để duy trì sức khỏe và kéo dài sự sống. Cho nên, chế độ ăn phù hợp còn giúp người bệnh tăng hiệu quả điều trị. Dưới đây là những nguyên tắc dinh dưỡng cho người suy thận giai đoạn cuối:
Chế độ ăn bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phân phúc mạc 1 lần/tuần
Nguyên tắc dinh dưỡng:
- Năng lượng bổ sung với mức: 35 Kcal/kg cân nặng khô/ngày.
- Protid: 0,6 g/kg cân nặng khô/ngày. Tỷ lệ hàm lượng protid động vật/tổng số ≥60%.
- Lipid: 20-30% tổng năng lượng. Hàm lượng acid béo không no có 1 nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid.
- Đảm bảo cân bằng lượng nước và chất điện giải vào cơ thể:
- Duy trì chế độ ăn nhạt tương đối: Thận nhân tạo: < 2000mg natri/ngày; Lọc màng bụng: < 2000mg natri/ngày.
- Hạn chế nước ăn và uống khi có chỉ định:V nước = V nước tiểu + V dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy…) + 300 đến 500 ml (tùy theo mùa).
- Kali: 1000- 1500mg/ngày.
- Hàm lượng photphat < 800mg/ngày. Đồng thời, người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm giàu phosphat.
- Vitamin, khoáng chất bổ sung theo nhu cầu cơ thể.
- Số lượng bữa ăn: chia thành 4 bữa/ngày.
Cơ cấu khẩu phần ăn trong ngày:
- Năng lượng cần nạp: 1800- 1900 Kcal/ ngày
- Protid: 40- 44g/ ngày
- Lipid: 40- 53g/ ngày
- Glucid: 313- 336g/ ngày
- Natri < 2000mg/ ngày
- Kali: 1000- 1500mg/ ngày
- Phosphat: < 800mg/ ngày
- Nước: 1- 1,5 lít/ ngày
Chế độ ăn bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phân phúc mạc 2 lần/tuần
Nguyên tắc dinh dưỡng:
- Năng lượng: đáp ứng mức 35 Kcal/kg cân nặng khô/ngày.
- Protid: 1g/kg cân nặng khô/ngày. Tỷ lệ hàm lượng protid động vật/tổng số ≥ 60%.
- Lipid: 20-25% năng lượng. Acid béo chưa no 1 nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid.
- Đảm bảo cân bằng nước và điện giải:
- Lượng natri: Người bệnh chạy thận nhân tạo: 2000- 3000mg/ngày; Người bệnh lọc màng bụng : 2000- 4000mg natri/ngày.
- Hạn chế nước ăn và uống khi có chỉ định: V nước = V nước tiểu + V dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy…) + 300 đến 500 ml (tùy theo mùa).
- Hàm lượng kali: 2000-3000mg/ngày.
- Hàm lượng photphat < 1200mg/ngày, hạn chế các loại thực phẩm giàu phosphat.
- Cung cấp đủ và đa dạng vitamin, chất khoáng.
- Số lượng bữa ăn: 4 bữa/ngày.
Cơ cấu khẩu phần ăn trong ngày:
- Năng lượng: 1800-1900 Kcal/ ngày
- Protid: 50-55g/ ngày
- Lipid: 40-50g/ ngày
- Glucid: 290-325g/ ngày
- Natri: 2000-4000mg/ ngày
- Kali: 2000-3000mg/ ngày
- Phosphat: <1200mg/ ngày
- Nước: 1-1,5 lít/ ngày
Chế độ ăn bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phân phúc mạc 3 lần/tuần (1)
Nguyên tắc dinh dưỡng:
- Năng lượng: bổ sung mức 35 Kcal/kg cân nặng khô/ngày.
- Protid: 1,2-1,3g/kg cân nặng khô/ngày. Tỷ lệ hàm lượng protid động vật/tổng số ≥ 60%
- Lipid: 20- 25% tổng năng lượng. Acid béo chưa no có 1 nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid.
- Đảm bảo cân bằng lượng nước và các chất điện giải:
- Hàm lượng Natri: Người bệnh thực hiện lọc máu ngoài thận: 2000- 3000mg natri/ngày; người bệnh lọc màng bụng: 2000- 4000mg natri/ngày
- Hạn chế nước ăn và uống khi có chỉ định: V nước = V nước tiểu + V dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy…) + 300 đến 500 ml (tùy theo mùa).
- Hàm lượng Kali: 2000-3000mg/ngày.
- Hàm lượng photphat < 1200mg/ngày. Hạn chế các loại thực phẩm giàu phosphat.
- Bổ sung vitamin và chất khoáng theo nhu cầu.
- Số lượng bữa ăn: 4 bữa/ngày.
Cơ cấu khẩu phần ăn:
- Năng lượng: 1800-1900 Kcal/ ngày
- Protid: 60-70g/ ngày
- Lipid: 40-50g/ ngày
- Glucid: 280-314g/ ngày
- Natri: 2000-4000mg/ ngày
- Kali: 2000-3000mg/ ngày
- Phosphat: <1200mg/ ngày
- Nước: 1-1.5 lít/ ngày
Trên đây là nguyên tắc dinh dưỡng cùng khẩu phần ăn cho bệnh nhân trong ngày để người thân, người chăm sóc dễ dàng xây dựng thực đơn và lựa chọn thực phẩm. Tùy vào tình trạng sức khỏe, nhu cầu dinh dưỡng cũng như phương pháp điều trị hiện tại của bệnh nhân mà người thân nên xem xét chế độ và xây dựng cân đối các chất cho phù hợp.
Suy thận giai đoạn cuối nên ăn gì? Chế độ ăn cho người suy thận giai đoạn cuối
Theo Bác sĩ Nguyễn Võ Trà Mi – Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI): “Tùy vào tần suất lọc máu sẽ có sự khác nhau về chế độ ăn cho người suy thận giai đoạn cuối. Người suy thận giai đoạn cuối lọc máu 3 lần/tuần có thể ăn uống như người bình thường, thậm chí có thể tăng lượng đạm ăn vào vì mất đạm trong quá trình lọc. Tuy nhiên nếu người bệnh lọc máu tần suất thấp như chạy thận 1 đến 2 lần/tuần, vào những ngày không chạy thận thì cần giảm lượng đạm, điện giải, nước nếu có chỉ định từ bác sĩ.”
Sau đây là một số nhóm thực phẩm nên ăn và nên kiêng dành cho người suy thận giai đoạn cuối trong những ngày không lọc máu mà mọi người nên ghi nhớ:
Thực phẩm người bệnh suy thận giai đoạn cuối nên ăn
Tinh bột ít đạm: miến, sắn dây, khoai củ
Chất đạm khi bổ sung vào cơ thể sẽ tạo ra chất thải và được đào thải khỏi cơ thể qua đường thận. Do vậy, càng cung cấp nhiều đạm thì sẽ khiến thận hoạt động nhiều hơn. Vì thế, người mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, chức năng thận gần như mất đi hoàn toàn nên cần chế độ ăn ít đạm.
Thế nên, các bác sĩ khuyên người bệnh nên bổ sung các loại tinh bột ít đạm như miến, sắn dây, các loại khoai củ,… trong chế độ ăn hàng ngày. Nhóm tinh bột ít đạm này cung cấp chủ yếu đạm thực vật dễ tiêu hóa, chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Nhờ đó giảm viêm nhiễm trong cơ thể và góp phần làm chậm tiến triển của bệnh suy thận. Ngoài ra, các loại tinh bột này còn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho người bệnh.

Thực phẩm ít đạm: hến, đậu phụ, nấm
Mọi người nên chú ý, chế độ ăn của người suy thận giai đoạn cuối giảm đạm chứ không đồng nghĩa bỏ đạm. Nếu như bỏ chất đạm hay bổ sung quá ít thì người bệnh gia tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, suy kiệt nhanh chóng, không đủ sức chống lại bệnh.
Theo các bác sĩ, các loại thực phẩm ít đạm như hến, đậu phụ, nấm không chỉ cung cấp hàm lượng đạm tương đối mà còn giàu các dưỡng chất khác phù hợp cho người bệnh suy thận bổ sung. Trong đó, nấm là thực phẩm gần như có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Hơn nữa, hàm lượng phospho trong nấm cũng tương đối thấp, phù hợp cho bệnh nhân suy thận. Chế độ ăn của người suy thận giai đoạn cuối có thể chọn bổ sung nấm rơm, nấm hương, nấm đông cô,…
Bên cạnh các loại cá, hến cũng là thực phẩm bổ sung omega 3 tốt cho sức khỏe và có nguồn đạm vừa phải phù hợp bệnh nhân suy thận. Chất béo omega 3 có tác dụng chống viêm, cải thiện một số vấn đề ở thận.
Ngoài ra, để tránh lố tổng lượng đạm cung cấp cho cơ thể người bệnh, khi xây dựng thực đơn cần chú ý xen kẽ đạm động vật và thực vật.
Thực phẩm ít kali: các loại củ quả, trái cây ít kali
Kali là một trong những khoáng chất cần thiết cho cơ thể, nhưng với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối không thể lọc thải được lượng kali dư thừa nên cần hạn chế kali trong chế độ ăn hàng ngày. Nếu bổ sung dư thừa kali có thể khiến kali trong máu tăng cao dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng ở tim.
Một số loại củ quả và trái cây tốt cho sức khỏe, ít kali phù hợp với người suy thận như: các loại củ quả (su su, cà rốt, mướp, bầu,..); trái cây ít kali (ổi, cam, bưởi, thanh long, quýt, mận..). Hơn nữa, các loại củ quả này còn cung cấp chất xơ và hàm lượng vitamin C dồi dào giúp tăng khả năng lành thương, chống oxy hóa và bảo toàn chức năng thận.
Sữa chuyên biệt cho suy thận
Sữa chuyên biệt cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối chưa điều trị thay thế thận được xem là thực phẩm bổ sung hoàn hảo bởi được thiết kế công thức ít đạm, đa dạng dưỡng chất cần thiết. Sữa còn là thực phẩm thay thế bữa ăn phụ giúp người bệnh chán ăn, kém ăn có thể bổ sung sữa để đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Điều này giúp người bệnh chống suy kiệt, yếu cơ, mất cơ, phòng suy dinh dưỡng hiệu quả. Để chọn sữa cho người suy thận giai đoạn cuối phù hợp, mọi người có thể hỏi ý kiến và nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.

Thực phẩm người suy thận giai đoạn cuối nên kiêng
Thực phẩm giàu muối
Thực phẩm giàu muối sẽ cung cấp hàm lượng natri cao. Natri ảnh hưởng đến cân bằng huyết áp, giúp duy trì cân bằng lượng nước trong cơ thể. Nếu thận khỏe mạnh mới đủ khả năng giữ mức natri trong kiểm soát, còn với người mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, chức năng thận gần như mất đi hoàn toàn nên không thể kiểm soát được lượng natri. Điều này khiến các chất lỏng dư thừa tích tụ nhiều trong cơ thể dẫn đến sưng phù ở mắt cá chân, khó thở, huyết áp cao, tích tụ dịch ở màng tim và phổi. Thế nên, người bệnh cần kiêng các thực phẩm chứa nhiều muối trong chế độ ăn.
Để hạn chế muối trong chế độ ăn, người bệnh nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm tươi, có chế độ ăn nhạt, giảm lượng gia vị nêm nếm, kiêng các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp,…
Thực phẩm giàu kali
Khi tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, chức năng thận đã không thể hoạt động được nữa, cơ thể không thể lọc lượng kali dư thừa. Một khi hàm lượng kali tích tụ trong máu tăng cao có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim. Một số thực phẩm giàu kali cần hạn chế trong chế độ ăn uống của người bệnh: quả bơ, quả mơ, chuối, rau lá màu xanh đậm,…

Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao nếu có rối loạn đường huyết đi kèm
Chỉ số đường huyết (GI) là một chỉ số dùng để đánh giá khả năng hấp thu nhanh hay chậm và làm tăng nồng độ đường glucose trong máu của loại thức ăn có chất bột đường so với glucose. Chỉ số đường huyết cao GI > 70 bao gồm các loại thực phẩm như: bánh mì trắng, khoai tây, bí đỏ, bánh quy, cơm trắng, đường đơn, đường mạch nha,… Các bệnh nhân suy thận có kèm rối lượng đường huyết nên kiêng các thực phẩm này để không gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe.
Hạn chế nước nếu có phù
Suy thận giai đoạn cuối không thể lọc thải như bình thường bởi cấu trúc và chức năng thận gần như suy giảm hoàn toàn. Việc bổ sung quá nhiều nước hay các chất lỏng vào cơ thể sẽ gây áp lực lên quá trình lọc và loại bỏ chất thải dư thừa. Theo thời gian, chất lỏng tích tụ nhiều gây nên tình trạng phù nề.
Do vậy, nếu người bệnh có phù thì nên hạn chế lượng nước và chất lỏng bổ sung. Người bệnh suy thận giai đoạn cuối thường sẽ được bác sĩ chỉ định cắt giảm lượng nước, chất lỏng phù hợp với tình trạng của cơ thể.

Dựa vào các nhóm thực phẩm nên ăn và nên kiêng vừa đề cập, có lẽ mọi người sẽ dễ hiểu và đơn giản hơn trong việc chọn thực phẩm xây dựng thực đơn ăn uống cho bệnh nhân suy thận. Việc xây dựng thực đơn phù hợp với tình trạng bệnh lý vừa đảm bảo sức khỏe, phòng suy dinh dưỡng vừa đáp ứng hiệu quả điều trị, hạn chế xuất hiện biến chứng nguy hiểm và kéo dài sự sống cho người bệnh.
Mẫu thực đơn 7 ngày cho người suy thận giai đoạn cuối
Bảng thực đơn 7 ngày cho người suy thận giai đoạn cuối: Phù hợp cho người suy thận mạn có lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phân phúc mạc 2 lần/tuần, 50kg. Với mức năng lượng 1800kcal (P:L:G = 11%:31%:58%)
Thứ hai | ||||
Bữa sáng | Bữa phụ | Bữa trưa | Bữa chiều | |
---|---|---|---|---|
Món ăn | – Bánh ướt giò lụa (bánh ướt 140g +giò lụa 50g + dưa leo 50g+ giá đậu xanh 30g)
– Gia vị: 5g nước tương; 10g dầu |
– 9h00: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 100ml)
– 21h: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 100ml) |
– Cơm (Gạo 70g)
– Thịt heo hầm khoai môn (Thịt heo nạc 30g + 80g khoai môn) – Rau muống luộc (100g) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu – Quýt 180g |
– Cơm (Gạo 70g)
– Cá lóc hấp Bầu (100g bầu, 30g cá lóc) – Rau bí xào (80g) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu |
Thứ ba | ||||
Món ăn | – Nui xào tôm (Nui khô 45g + tôm 20g + Bắp cải 80, cà rốt 30, ớt xanh 30, su su 30)
– Gia vị: 3g nước mắm; 2g bột nêm; 10g dầu |
– 9h00: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 100ml)
– 21h: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 200ml) |
– Cơm (Gạo 70g)
– Cá kèo kho (35g) – Canh bí đỏ đậu phộng (bí ngô 80g, lạc 5g) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu – Bưởi 180g |
– Cơm (Gạo 70g)
– Thịt bò xào thập cẩm (30g thịt bò +50g hành tây, 50g ớt chuông, 50g súp lơ) – Canh cải (100g) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu |
Thứ tư | ||||
Món ăn | – Cơm chiên dương châu (gạo 45g, thịt 20g, đậu hà lan 10g, cà rốt 30g, dưa chuột 50g, hành tây 40g)
– Gia vị: 5g xì dầu; 2g bột nêm; 10g dầu |
– 9h00: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 100ml)
– 21h: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 200ml) |
– Cơm (Gạo 70g)
– Trứng chiên lá mơ (1 quả trứng +5g lá mơ) – Canh rau mồng tơi (100g rau + 5g tôm khô) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu – Cam: 180g |
– Cơm (Gạo 70g) (40g gạo + 60 khoai sọ)
– Mướp xào giá (100g mướp +20g giá) – Canh chua (cá lóc 30g, cà chua 50g, dứa 40g, dọc mùng 50g) Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu |
Thứ năm | ||||
Món ăn | – Bún cá rô (Bún tươi 110g, cá rô 30g, cà chua 40g, thìa là 10g, cần ta 80g)
– Gia vị: 3g nước mắm; 2g bột nêm; 10g dầu |
– 9h00: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 100ml)
– 21h: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 200ml) |
– Cơm (Gạo 70g)
– Rau củ luộc (su su 50, rau khoai 80g, củ dền 50g) – Thịt kho chua ngọt (thịt 25g + me) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu – Táo: 180g |
– Cơm (Gạo 70g)
– Đu đủ xào nấm (100g đu đủ + 50g nấm) – Canh cải xanh (100g cải xanh, gừng) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu |
Thứ sáu | ||||
Món ăn | – Phở chay (phở 110g, củ cải 50g, nấm hương tươi 50g, hành tây 40, ngô 40g)
– Gia vị: 3g nước mắm; 2g bột nêm; 10g dầu |
– 9h00: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 100ml)
– 21h: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 200ml) |
– Cơm (Gạo 70g)
– Cá basa kho thơm (cá 30g, dứa 40g) – Canh củ quả (cà rốt 30g, khoai tây 50g, củ dền 40g) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu – Quả kiwi 180g |
– Cơm (Gạo 70g)
– Chả trứng (1 quả trứng gà + 50g cà cà chua) – Canh cải ngòng (70g) – Cải thảo xào (80g) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu |
Thứ bảy | ||||
Món ăn | – Cháo hạt sen thịt bằm (40g gạo, hạt sen 20g, thịt bằm 20g, cà rốt 40g)
– Gia vị: 3g nước mắm; 2g bột nêm; 10g dầu |
– 9h00: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 100ml)
– 21h: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 200ml) |
– Cơm (Gạo 70g)
– Đậu phụ kho nấm (đậu phụ 50, nấm 50) – Canh rau mồng tơi nấu tôm (Rau 100g,20g tôm) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu – Dưa hấu 180g |
– Cơm (Gạo 70g)
– Cá diêu hồng chiên (30g) – Canh mướp rau đay (100g mướp + 80g rau) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu |
Chủ nhật | ||||
Món ăn | – Hủ tiếu chay (Hủ tiếu 40g, khoai lang 30g, khoai tây 30g, nấm đùi gà 40g, cùi dừa già 20g, cà rốt 30g)
– Gia vị: 3g nước mắm; 2g bột nêm; 10g dầu
|
– 9h00: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 100ml)
– 21h: Sữa Leanmax rena gold (4 muỗng + 200ml) |
– Cơm (Gạo 70g)
– Thịt kho nước dừa (30g thịt, nước dừa 50ml) – Canh tập tàng (Rau dền, rau mã đề, rau má 120g) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu – Dưa lưới 180g |
– Cơm (Gạo 70g)
– Cà tím bum đậu phụ (đậu phụ 50g, cà chua 40g, cà tím 40g) – Canh mướp đắng (mướp đắng 100g, nấm rơm 15g) – Gia vị: 5g nước mắm; 3g bột nêm; 10g dầu |
Trên đây chỉ là thực đơn tham khảo để mọi người có thể hình dung được cách xây dựng và thiết lập thực đơn ăn uống cho người suy thận hàng ngày. Bởi tùy vào từng tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý, phương pháp điều trị mà sẽ có thực đơn chuyên biệt khác nhau. Việc bổ sung thực đơn không đúng với nhu cầu của người bệnh cũng làm suy giảm sức khỏe, không đáp ứng hiệu quả điều trị.
Để xây dựng thực đơn ăn cho người suy thận giai đoạn cuối phù hợp, mọi người nên nhờ sự tư vấn dinh dưỡng từ các chuyên gia, bác sĩ. Viện NRECI cung cấp dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, thiết kế thực đơn ăn uống cho người bị suy thận ở mỗi giai đoạn một cách khoa học, đáp ứng nhu cầu điều trị và phù hợp bởi đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Bác sĩ tại Viện NRECI sẽ căn cứ vào tình trạng, thể trạng mà tư vấn thực đơn chuyên biệt.

Xem thêm:
Khi đến Viện NRECI, người bệnh sẽ được tư vấn bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tư vấn theo quy trình:
- Xác định tình trạng dinh dưỡng của từng người bệnh
- Khai thác và đánh giá khẩu phần ăn của từng người bệnh
- Khai thác tiền sử dinh dưỡng, tiền sử suy thận, mức độ suy thận, phương pháp đang điều trị
- Tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt cùng bác sĩ
- Xây dựng thực đơn chi tiết từng ngày theo từng cá thể, từng mức độ suy thận
Khi được lắng nghe trực tiếp, người bệnh cũng như người thân nắm rõ được tình trạng và các nguyên tắc dinh dưỡng, các loại thực phẩm nào phù hợp sẽ giúp lên kế hoạch ăn uống dễ dàng hơn. Đặc biệt là mang đến thực đơn phù hợp và đem đến hiệu quả cao trong duy trì sức khỏe, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và tăng hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống.
Mong rằng với những thông tin trong bài viết về chế độ ăn cho người suy thận giai đoạn cuối giúp mọi người bổ sung thêm kiến thức và kinh nghiệm. Theo đó, mọi người biết cách chọn lựa thực phẩm phù hợp và cân đối trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh. Một chế độ dinh dưỡng tốt không chỉ giúp người bệnh duy trì sức khỏe mà còn kéo dài sự sống. Hãy liên hệ ngay Viện NRECI để được tư vấn cũng như tìm hiểu thêm về các dịch vụ, các khóa học dinh dưỡng nhé.
- Tiêu chuẩn chẩn đoán suy thận và cách điều trị suy thận hiệu quả
- Suy thận có nên uống nhiều nước không? Lượng nước chuẩn cho người suy thận
- Suy thận giai đoạn 5 sống được bao lâu? Chế độ ăn cho người suy thận cấp độ 5
- Hội chứng ure máu cao trong suy thận mạn
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng là đơn vị tiên phong trong đào tạo và tư vấn dinh dưỡng cho mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết mang đến các khóa học dinh dưỡng, dịch vụ tư vấn dinh dưỡng chuyên nghiệp, uy tín bởi đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, năng động.
VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG (NRECI)
- 105 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM
- Hotline đào tạo: 0888334478 hoặc 0787564383
- Hotline tư vấn dinh dưỡng: 0888844733
- Fanpage: https://www.facebook.com/nreci.org
- Website: https://nreci.org
Tham vấn y khoa

Bs Nguyễn Thị Hoà tốt nghiệp Bs Y học Dự phòng – Đại học Y dược TP.HCM, chứng chỉ Dinh dưỡng Lâm sàng 6 tháng – Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Hiện đang là Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Nhi NRECI.
Tư vấn dinh dưỡng cùng Bác sĩ
Tư vấn khóa học dinh dưỡng
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí!